Với những tay độ cân chuyên nghiệp, chỉ cần vài thao tác đơn giản, những chiếc cân có thể được làm sai lệch tùy theo ý của khách hàng.
Giá mỗi lần độ cân cũng chỉ vài chục ngàn đồng, nên các lò độ cân nhận được sự quan tâm rất lớn của tiểu thương.
Tăng, giảm theo ý muốn!?
Trong vai một người làm nghề buôn hoa quả có nhu cầu muốn tìm cơ sở để độ cân, PV tiếp chuyện với một số dân buôn ở khu vực chợ Nhổn (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Sau một hồi tìm hiểu, PV được những dân buôn ở đây giới thiệu đến lò độ cân của ông H., nằm ngay trên đường 32, gần ngay cổng trường ĐH Công nghiệp (TP. Hà Nội).
Các thao tác "độ" một chiếc cân. |
Một phụ nữ trung niên làm nghề bán hoa quả gần đó cho biết, tại khu vực này, có nhiều lò độ cân, nhưng không ai có thể qua mặt được ông H. về khoản này. Ông H. được các tiểu thương chợ Nhổn tin tưởng vì có nhiều năm kinh nghiệm, làm nhanh, chính xác, giá cả lại phải chăng. Rồi người phụ nữ cho biết thêm: “Chú cứ tìm đến đấy, ông ấy làm còn chính xác hơn cả máy nữa. Đồ nghề làm ăn của dân buôn khu này cũng đều phải qua tay ông ấy hết”.
Theo chỉ dẫn của người phụ nữ, PV đi dọc đường 32 đến khu vực cổng trường ĐH Công nghiệp, tinh ý lắm mới phát hiện ra tấm bảng hiệu nhàu nát đề dòng chữ “Sửa, bán cân các loại” trước cửa lò độ của ông H. Không giống như những cơ sở chuyên độ cân khác, lò độ của “cao thủ” H. nhìn không khác gì một cửa hàng thu mua đồ đồng nát. Bên trong lò độ rộng chừng hơn chục mét, bày la liệt các loại cân của khách nhờ “sửa chữa”.
Sau vài phút làm quen và đặt vấn đề, ông H. đưa mắt dò xét, ngắm nghía vị khách một hồi, hỏi vài thông tin liên quan để kiểm chứng, “cao thủ” H. mới đồng ý chế lại chiếc cân đồng hồ loại 5kg chuyên dùng để bán hoa quả. Mới đầu, chủ lò độ có vẻ lầm lì, khó gần, nhưng sau một hồi tiếp chuyện, ông H. đã cởi mở hơn. Ông cho biết: “Với những khách quen thì không sao, chứ cháu là người lạ nên tao mới phải hỏi thế”.
Qua cuộc trò chuyện, PV được biết, ông làm nghề sửa chữa cân được ngót chục năm. Ban đầu chỉ là sửa chữa những hàng gặp vấn đề của khách. Nhưng tiền công cũng chẳng đáng là bao. Mãi sau này một người tiểu thương buôn gạo có mang đến cho ông một chiếc cân loại 100kg, và yêu cầu ông độ hộ để buôn bán. Đến lúc này, ông mới bắt đầu tìm hiểu những nguyên lý của cân để làm hàng cho khách. Ông H. tiết lộ: “Thực ra cũng không có gì khó cả. Trong mỗi bàn cân đều có gắn một lò xo (to hay nhỏ phụ thuộc vào trọng lượng của cân), nếu muốn ăn gian mua vào hay bán ra thì chỉ cần điều chỉnh lò xo này dãn ra hay co vào, sau đó điều chỉnh lại kim đồng hồ là được”.
Không chỉ làm nhiệm vụ độ cân, “cao thủ” H. còn kiêm luôn công việc tư vấn mức độ (khối lượng ăn gian) cho khách hàng. Sau khi đã tháo được chiếc lò xo của chiếc cân do PV mang đến, ông H. đặt vấn đề: “Bây giờ cậu muốn tôi độ theo hướng nào, mua vào hay bán ra. Mức độ tầm bao nhiêu”. Thấy PV lớ ngớ trước những câu hỏi của mình, ông H. giải thích luôn: “Ý tôi là cậu dùng cân này để mua hàng hay bán hàng? Làm ăn gì mà không biết đến cái này”.
Sau khi biết khách độ cân để bán hàng, ông H. gật đầu tư vấn thêm: “Muốn ăn gian bao nhiêu cân cũng được thôi, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, với loại cân nhỏ này, cậu chỉ nên ăn ít thôi. 1kg thì gian lận lên khoảng 2 lạng và vừa, chứ ăn gian nhiều dễ bị họ phát hiện lắm. Đợt trước cũng có người ở chợ Nhổn đến nhờ tôi độ hộ chiếc cân nhưng con mụ ấy tham quá, yêu cầu bằng được tôi phải độ gian cho bà ấy tận 3,5 lạng. Sau bị phát hiện, người ta đánh cho bầm dập, phải mang cân đến chỗ tôi nhờ chỉnh lại”.
Giải thích xong, ông H. lấy chiếc kìm, vặn vào chiếc lò xo, dùng lực ép lò xò vào và giữ một lúc. Sau khi thao tác xong xuôi, ông H. lắp chiếc lò xo vào chiếc cân như nguyên trạng hoàn thành xong công đoạn độ cân. Để kiểm chứng cho khách, ông vào trong nhà mang ra chiếc cân bàn có trọng lượng 3kg đặt lên 2 miếng sắt để cân thử. Quả nhiên, chiếc cân của ông H. báo về 1,4kg nhưng đến chiếc cân vừa độ cho PV lại báo về 1,6kg. Sau khi hoàn thành, ông H. lấy 30.000 đồng tiền công.
Áp dụng công nghệ vào độ cân
Độ cân bằng tay với những công cụ thủ công vẫn là chiêu bài quen thuộc, mà nhiều tiểu thương thường hay áp dụng. Tuy nhiên với những cơ sở làm ăn lớn, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để móc túi khách hàng một cách tinh vi nhất, và các cơ quan quản lý thị trường cũng khó phát hiện. Để tìm hiểu thêm những cách thức độ cân tinh vi này, PV tiếp tục tìm đến một cửa hàng sửa chữa cân có quy mô khá lớn trên đường Kim Mã (quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Cửa hàng này, không chỉ độ những loại cân bàn mà còn nhận độ cả cân điện tử tích hợp công nghệ cao, có thể dùng điều khiển để điều chỉnh khối lượng theo ý muốn.
Bà chủ cửa hàng này quảng cáo luôn: “Những chiêu thức như vặn kéo, mài… xưa lắm rồi em. Những chiêu đó cũng góp phần ăn gian được đôi chút nhưng không đáng kể và đã lỗi thời rồi. Mình là người của công nghệ, phải bắt kịp thời đại chứ em. Cân độ bây giờ được tích hợp con chíp điều khiển bằng remote (điều khiển). Muốn ăn bao nhiêu cân thì bấm nút, mà không muốn ăn thì thôi. Tiện lợi lắm”.
Người phụ nữ này cũng thông tin thêm, ở cửa hàng của bà có thể độ bằng công nghệ cao cho mọi loại cân từ cân lò xo, cân điện tử cho đến cân điện tử cảm ứng. Một người thợ cũng giải thích thêm về cơ chế hoạt động của các bo mạch điện tử khi được tích hợp trong quá trình độ cân: “Với kiểu độ này, chúng em sẽ lắp ráp một bo mạch điện tử do chỗ chúng em tự chế và một bộ bơm thủy lực kéo đẩy cân. Tất cả những thứ đó được lắp ráp trong lòng cân lò xo. Sau khi hoàn thành xong, cửa hàng bọn em sẽ kẹp chì, niêm phong giống 100% của chính hãng cân. Cửa hàng sẽ cấp cho anh một chiếc remote nhỏ, khi cần anh chỉ cần bấm nút là cân sẽ hoạt động”.
Đặt vấn đề chiếc cân mình cần độ là cân điện tử, người thợ này giải thích thêm: “Với cân điện tử thì khó hơn. Vì đơn giản cấu tạo của chiếc cân đó cũng đều là các bo mạch điện tử. Mình chỉ cài được một mức ăn gian như với kiểu độ thủ công. Nhưng cân điện tử có một đặc điểm là không bị ai nghi ngờ. Nhiều người mua hàng cũng nghĩ dùng đồ điện tử sẽ an tâm về khối lượng, nhưng thực chất không phải vậy, muốn ăn gian là được. Giá mỗi lần gắn mạch điện tử cho cân là 5 triệu”.
Người thợ này còn quảng cáo thêm, cửa hàng nơi anh ta đang làm còn có chiêu độ lắc. Cách thức độ không được tiết lộ, nhưng người thợ này giải thích cặn kẽ về nguyên lý hoạt động của loại độ này. Theo đó độ lắc là hình thức độ dành riêng cho các loại cân lớn từ 50kg trở lên và chỉ áp dụng được cho các loại cân lò xo. Mức độ sai lệch được điều chỉnh cũng lớn rơi vào khoảng từ 5-7kg.
“Khi để cân ở trang thái cân bằng là lúc cân đúng. Chỉ cần một thao tác lắc qua trái hoặc phải là giá trị cân đã sai lệch ở mức đã cài đặt. Nếu phát hiện thấy bất trắc thì lắc thêm 1 lần nữa là cân lại trả về giá trị đúng. Thường thì với kiểu độ này, người bán sẽ nhìn mặt khách để đoán biết có nên gian lận hay không”, người thợ này chia sẻ. Tuy nhiên, người thợ này cũng khuyến cáo dùng kiểu độ này rất nguy hiểm và dễ bị phát hiện nên ít được sử dụng.
(Theo Công lý & xã hội)
Ý kiến bạn đọc