(VnMedia) -
Mặc dù tăng trưởng của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam là đáng ghi nhận, nhưng quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á.
Quy mô M&A vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á
Theo Nhóm nghiên cứu MAF (bao gồm những chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ IMAA, Diễn đàn M&A Việt Nam, Đại học Việt Nhật - VNU và một số tổ chức tư vấn M&A tại Việt Nam), với 95 triệu dân với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt nam được đánh giá là một thị trường hấp dẫn. Vì vậy, các thương vụ M&A trong giai đoạn 2016 – 2017 tiếp tục thực hiện mục tiêu tiếp cận và mở rộng thị trường.
Cũng theo Nhóm nghiên cứu MAF, mặc dù tăng trưởng của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam là đáng ghi nhận, nhưng quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, trong khu vực, tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD, vượt xa so với mức 11-16 tỷ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Thị trường Việt Nam có quy mô bằng 86,22% so với thị trường Phillippines, quốc gia có tổng giá trị M&A 2016 đạt 6.75 tỷ USD.
Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 3-4 triệu USD (tương đương 60-80 tỷ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới 64,16% về giá trị và chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 20 đến trên 100 triệu USD. Trong những năm qua đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
Về giá trị, Nhóm nghiên cứu MAF cũng cho biết, các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đây cũng là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.
Về số lượng thương vụ, số lượng thương vụ tập trung nhiều nhất trong các ngành: công nghiệp, nguyên vật liệu và sản xuất hàng tiêu dùng. Các ngành này chiếm 53% số lượng thương vụ M&A tại Việt Nam.
Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể "bùng nổ"
Đưa ra những dự bán triển vọng về hoạt động M&A trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu MAF cho rằng, M&A bất động sản đang thu hút cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá cao là các yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Các nhà đầu tư khối nội, tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất, nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường; nâng cao khả năng cạnh tranh và làm tiền đề để thu hút vốn từ khối ngoại.
“Các thương vụ M&A sẽ diễn ra trên quy mô lớn ở tất cả các phân khúc, nổi bật là loại hình khu đất phát triển, với các dự án bất động sản phức hợp. Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp là phân khúc được quan tâm trong các hoạt động M&A với đà "bùng nổ" từ năm 2016. Chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm có thể gia tăng, do sự khan hiếm về quỹ đất tại các khu vực này”, Nhóm nghiên cứu MAF dự báo.
Về cơ sở hạ tầng – năng lượng, Nhóm nghiên cứu MAF cho rằng, Việt Nam đã có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng. Và một trong những cách huy động vốn đang được nghiên cứu đó là chuyển nhượng quyền khai thác một số cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay, cảng biển…
Với quan điểm bán một phần cơ sở hạ tầng để lấy nguồn vốn đó xây dựng cơ sở hạ tầng khác, đồng thời thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ mà cụ thể ở đây là cung cấp dịch vụ sân bay, cảng biển…
Theo Nhóm nghiên cứu MAF, chủ trương này nếu được thực hiện sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Với đặc điểm ngành hạ tầng, năng lượng thì các thương vụ quy mô hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc