Những công ty độc, lạ trên sàn chứng khoán!

14:59, 02/07/2017
|

Kinh doanh trong lĩnh vực ít người nghĩ tới, nhưng những doanh nghiệp này vẫn đều đặn thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, và là những công ty "độc nhất" trên sàn chứng khoán.

Hiện có tổng cộng 1.381 công ty, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM được chia theo từng nhóm ngành sản xuất kinh doanh. Trong số đó, một vài công ty "một mình một ngựa" trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Diêm Thống Nhất

Khi những chiếc bật lửa chưa phổ biến, diêm Thống Nhất là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người Việt. Công ty CP diêm Thống Nhất (mã chứng khoán DTN) đã có hơn 60 năm sản xuất sản phẩm diêm, bật lửa.

Đây cũng là doanh nghiệp sản xuất diêm lửa duy nhất tại Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sản phẩm Diêm Thống Nhất đến nay vẫn được người Việt sử dụng rộng rãi. Ảnh: Ngọc Lan.
Sản phẩm Diêm Thống Nhất đến nay vẫn được người Việt sử dụng rộng rãi. Ảnh: Ngọc Lan.

Sản phẩm được người dùng đón nhận trong suốt hàng chục năm, nhưng cổ phiếu của công ty lại rất kén nhà đầu tư, khi phần lớn phiên giao dịch đều không có cổ phiếu nào được mua bán.

Tính từ đầu năm 2017, mới chỉ có gần 25.000 cổ phiếu DTN khớp lệnh thông qua vỏn vẹn 7 phiên giao dịch. Hiện DTN được giao dịch với giá 9.000 đồng/cổ phiếu, và đã 11 phiên liên tiếp không có cổ phiếu nào được giao dịch.

Dù vậy, kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất vẫn tương đối ấn tương so với vốn điều lệ 22 tỷ đồng.

Năm 2016, Diêm Thống Nhất đạt 116,4 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng gần 2 tỷ đồng.

Diêm Thống Nhất hiện tại vẫn đứng vững, và là một thương hiệu có tiếng, ghi dấu trong lòng người tiêu dùng qua nhiều thế hệ.

Công ty chuyên tổ chức đám ma

Công ty CP Mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán CPH) là doanh nghiệp chuyên thực hiện chức năng quản lý và tổ chức các dịch vụ phục vụ tang lễ, mai táng, và quản lý nghĩa trang, cung cấp các hàng hóa phục vụ tại tang lễ…

Ngày 8/2, công ty này thực hiện niêm yết 4,4 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, trở thành công ty đầu tiên và duy nhất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ mai táng trên sàn chứng khoán.

Nguồn thu chính của công ty Mai táng Hải phòng đều đến từ việc tổ chức và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ trong các buổi tang lễ. Năm 2016, công ty này thu về tới hơn 95 tỷ đồng doanh thu và báo lãi ròng gần 9,2 tỷ đồng.

Kinh doanh trong lĩnh vực vô cùng đặc biệt, kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đến nay, chưa có bất kỳ cổ phiếu nào của công ty được giao dịch.

Hiện tại, giá cổ phiếu CPH đang là 8.300 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp bán dây thừng

Là công ty chuyên sản suất dây thừng, lưới đánh cá 100% vốn đầu tư Thái Lan, Công ty CP Siam Brothers Việt Nam (mã chứng khoán SBV) cũng là doanh nghiệp bán dây thừng duy nhất niêm yết trên sàn HOSE.

Dù mới niêm yết 20,54 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với giá lên khởi điểm 40.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5 vừa qua, thực tế công ty đã có hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất dây thừng. Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 6.500-8.000 tấn các loại dây thừng, và lưới đánh cá…

Trong năm 2016, SBV đạt doanh thu thuần 508 tỷ đồng và báo lãi sau thuế 114 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước đó.

Nguồn thu chính của công ty chính từ việc sản xuất và bán dây thừng, đóng góp tới 94% tổng doanh thu công ty.

Năm 2014, SBV chiếm 24% thị phần các loại dây, tính riêng trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp là 40%. Riêng về thị phần dây thừng trong nước, SBV cung cấp khoảng 90% thị phần nội địa.

Hiện tại, giá cổ phiếu SBV được giao dịch vào khoảng 44.000 đồng/cổ phiếu, tăng 10% so với thời điểm niêm yết.

Công ty chè

Thành lập từ năm 2006, Công ty CP Chè Hiệp Khánh (mã chứng khoán HKT) là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chè niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngày 12/1, hơn 5,57 triệu cổ phiếu HKT của Chè Hiệp Khánh được niêm yết trên HNX với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Là đơn vị duy nhất kinh doanh, chế biến chè niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu của Chè Hiệp Khánh lại không được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Liên tiếp các phiên giao dịch thị giá cổ phiếu này tụt dốc.

Hiện tại, HKT chỉ được giao dịch với giá 4.000 đồng/cổ phiếu, giảm 60% so với giá niêm yết.

Năm 2016, Chè Hiệp Khánh thu về hơn 60,2 tỷ đồng doanh thu, 95% trong đó đến từ bán các sản phẩm chè. Sau khi trừ các chi phí, công ty này báo lãi ròng tới 7,7 tỷ đồng.

Chè Hiệp Khánh là doanh nghiệp sản xuất chè đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ảnh minh họa: Thủy Nguyên.
Chè Hiệp Khánh là doanh nghiệp sản xuất chè đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ảnh minh họa: Thủy Nguyên.

3 tháng đầu năm 2017, hoạt động của công ty bất ngờ chậm lại. Chè Hiệp Khánh chỉ thu về vỏn vẹn 895 triệu đồng doanh thu, giảm 10 lần so với cùng kỳ và báo lỗ ròng hơn 500 triệu đồng.

Đây là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu HKT rớt sàn trong thời gian gần đây.

Công ty cung cấp bò, lợn giống

Tiền thân là trại lợn giống Cầu Diễn được thành lập năm 1959, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội (mã chứng khoáng GGS) trở thành công ty duy nhất chuyên cung cấp con giống gia súc niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với vốn điều lệ 102 tỷ đồng, cuối năm 2016,  có 10,2 triệu cổ phiếu GGS được niêm yết trên sàn UPCoM với vốn hóa thị trường 102 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty thu về gần 51 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động cung cấp con giống gia súc chăn nuôi, nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn hơn 286 triệu đồng. Nguyên nhân do chi phí giá vốn hàng bán quá lớn, xấp xỉ doanh thu hoạt động chính.

Một điểm đặc biệt nữa chính là việc đến nay vẫn chưa có bất kỳ cổ phiếu GGS nào được giao dịch trên sàn chứng khoán.

Trong suốt nửa năm, thị giá cổ phiếu GGS vẫn giữ nguyên ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu và thống kê giao dịch vẫn bỏ trống.

Công ty cung cấp đầu lọc thuốc lá

Chuyên cung cấp đầu lọc cho tất cả cácdoanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu từ Bắc đến Nam, Công ty CP Cát Lợi (mã chứng khoán CLC) chính là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh trong lĩnh vực này trên thị trường hiện nay.

Cát Lợi là công ty con của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Hiện Vinataba là cổ đông lớn nhất của công ty với hơn 51% vốn cổ phần. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn cũng sở hữu 6,38% vốn cổ phần tại Cát Lợi.

Cát Lợi được chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước – Xí nghiệp in bao bì và phụ liệu thuốc lá, và niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ tháng 10/2006.

Với ưu thế là đơn vị duy nhất sản xuất đầu lọc thuốc lá cung cấp cho hầu hết công ty sản xuất thuốc lá trong cả nước, năm 2016, Cát Lợi thu về tới 1.818 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 112 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2017, Cát Lợi đã thu lãi ròng gần 30 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ phiếu CLC của Cát Lợi được giao dịch với giá lên tới gần 70.000 đồng/cổ phiếu. Có hơn 13,1 triệu cổ phiếu niêm yết, giá trị vốn hóa của Cát Lợi hiện đạt 909 tỷ đồng.

(Theo Zing.vn)


Ý kiến bạn đọc