Giao dịch thất thường, thị trường chứng khoán có thể gặp bất lợi?

06:29, 03/07/2017
|
(VnMedia) -  Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong ba phiên tăng điểm của chỉ số gần đây, khối lượng giao dịch lại đang có dấu hiệu trồi sụt thất thường và chỉ duy trì dưới mức trung bình. Tín hiệu này nếu tiếp tục xảy ra trong tuần này sẽ là yếu tố gây bất lợi đối với đà tăng điểm của thị trường.
 
Các chỉ số đồng loạt tăng nhẹ
 
Sau tuần tăng giao dịch trái chiều trước đó, thị trường chứng khoán tuần vừa qua đã đồng loạt đi lên nhẹ. Giao dịch không thực sự sôi động nhưng nhóm cổ phiếu lớn trụ cột giữ được đà tăng ổn định, giúp các chỉ số duy trì sắc xanh. Trong đó, đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí tăng điểm trên diện rộng sau khi chịu áp lực chốt lời vào tuần trước đó.
 
Theo đó, khởi động phiên đầu tuần, các cổ phiếu đồng loạt phủ sắc xanh. Lượng tiền được đổ mạnh vào sàn, kéo thành khoản đi lên. Động thái này giúp chỉ số Vn-Index và HNX-Index duy trì đà tăng.
 
Sau phiên tăng đầu tuần, thị trường đã đảo chiều đi xuống ngay phiên sau đó. Áp lực chốt lời lan rộng trên bảng điện tử, khiến các cổ phiếu đua nhau đi xuống. Giao dịch rơi vào trạng thái bi quan, chỉ số Vn-Index và HNX-Index theo đó cũng giữ sắc đỏ đến cuối phiên làm việc.
 
Các chỉ số trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM tiếp tục biến động ở nhưng phiên tiếp theo của tuần giao dịch.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, sắc xanh đã hiện hữu trên các chỉ số. Cụ thể, chỉ số Vn-Index đã kết thúc tuần tăng 0,61% khi đứng tại 776,47 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa tuần tăng 0,89% và dừng ở 99,14 điểm.
 
Thanh khoản trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt 197,2 triệu đơn vị/phiên tăng 3,35% so với tuần giao dịch trước. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội chỉ đạt 42,5 triệu cổ phiếu/phiên giảm mạnh 26,49%.
 
Cùng với các chỉ số, trong tuần qua, thị trường cũng ghi nhận nhiều mã tăng mạnh, lên tới gần 40%. Cụ thể, tại sàn TP.HCM, cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần qua là CCL của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long. Với 5 phiên tăng liên tiếp, CCL đã tăng thêm tới gần 40% giá trị, từ mức chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu hôm 23/6 lên mức 6.990 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 30/6.
 
Cổ phiếu LEC của Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung giữ ở vị trí thứ 2 trong Top tăng mạnh nhất tuần qua, với mức tăng 39,5%, từ mức 21.000 đồng/cổ phiếu hôm 23/6 lên mức 29.300 đồng/cổ phiếu hôm 30/6.
 
Giữ vị trí thứ 3 trong Top tăng mạnh nhất tuần là HII của Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát – Yên Bái, với mức tăng hơn 39%, từ mức 15.200 đồng/cổ phiếu lên mức 21.150 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 30/6.
 
Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu UNI của Công ty cổ phần Viễn Liên là quán quân của bảng xếp hạng với mức tăng 33,33%, từ mức 3.900 đồng/cổ phiếu hôm 23/6 lên mức 5.200 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 30/6.
 
Đứng sau đó là các cổ phiếu SJ1, PVL, HHC có mức tăng thấp hơn tương đương 27,39%; 26,67% và 23,71%.
 
Thị trường có thể điều chỉnh ở các phiên tiếp theo
 
Mặc dù thị trường chứng khoán tuần vừa qua đã duy trì đà tăng nhẹ, nhưng theo các công ty chứng khoán, đà tăng này sẽ khó có thể duy trì khi thị trường xuất hiện những bất lợi.
 
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, mặc dù thanh khoản tuần vừa qua đã tăng nhẹ so với tuần trước đó, nhưng trong ba phiên tăng điểm của chỉ số gần đây, khối lượng giao dịch lại đang có dấu hiệu trồi sụt thất thường và chỉ duy trì dưới mức trung bình.
 
Cũng theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, nếu tín hiệu này nếu tiếp tục xảy ra trong tuần này sẽ là yếu tố gây bất lợi đối với đà tăng điểm của thị trường. Trên khung thời gian ngày, sau khi vượt qua ngưỡng 73,3 điểm (mốc điểm cao nhất được thiết lập trong những phiên trước), chỉ số được dự báo sẽ hướng đến vùng kháng cự mạnh 778-783 điểm trong tuần. Đây là vùng kháng cự mạnh đối với chỉ số trong ngắn hạn.
 
Do đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, chỉ số có thể sẽ vấp phải áp lực bán mạnh khi tiếp cận vùng cản này. Kịch bản chỉ số quay đầu giảm điểm vàbước vào nhịp điều chỉnh ngắn khi tiếp cận vùng kháng cự trên cần phải được tính đến.
 
Trong khi đó, theo nhận định của Công ty chứng khoán FPTS, với mức điểm hiện tại, chỉ số Vn-Index đã trở lại xu hướng đi ngang, nhưng rủi ro điều chỉnh vẫn tồn tại.
 
Theo khuyến nghị của Công ty chứng khoán FPTS, nhà đầu tư nên cân nhắc giảm tỷ trọng nhóm Large - Cap (nhỏ và vừa); cũng như nâng cao các tiêu chuẩn an toàn khi đưa ra quyết định đầu tư nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Cơ hội lướt sóng xuất hiện ở các ngành dịch vụ tư vấn và nghiên cứu, giấy, hóa chất và phân bón bởi những tín hiệu thoát khỏi trạng thái điều chỉnh.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc