(VnMedia) - Cộng đồng nông thôn và các nhóm dân tộc thiểu số ở 18 tỉnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một khoản hỗ trợ tài chính mới của Ngân hàng Thế giới, nhằm giúp Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp, tạo việc làm và giảm khoảng cách về thu nhập trong cả nước.
Hôm nay (28/6), Ban Giám đốc Ngân hàng thế giới đã phê duyệt một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 153 triệu USD, trợ giúp Chương trình mục tiêu Quốc gia của Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo và phát triển nông thôn, là trọng tâm của chiến lược quốc gia tăng thu nhập và năng suất cho người dân ở vùng nông thôn.
Khoản hỗ trợ tài chính này sẽ góp phần vào nỗ lực chung của Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn và tạo cơ hội việc làm, song song với nâng cao năng lực lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ, đặc biệt hướng tới đối tượng là người dân tộc thiểu số.
“Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo. Tuy nhiên, cộng đồng người dân ở khu vực miền núi và nông thôn vẫn còn nghèo” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu.
Chương trình đầu tư dựa trên kết quả (PfR) sẽ được thực hiện ở 18 tỉnh tham gia Chương trình Mục tiêu Quốc gia với mong muốn xây dựng và củng cố các cải cách thể chế và cách thức triển khai hoạt động hiệu quả cao hơn.
Khoản hỗ trợ tài chính mới này hoàn toàn nhất quán với Khung đối tác Quốc gia mới của Ngân hàng thế giới cho Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2022. Cùng với các ưu tiên phát triển khác, khoản tài chính này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển các doanh nghiệp nông thôn và các hoạt động đầu tư chuỗi giá trị cho các nhà sản xuất tại nông thôn đặc biệt hướng đến các nhóm người dân tộc thiểu số.
18 tỉnh mục tiêu sẽ được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc