(VnMedia) - Liên quan với vụ công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (Đồng Nai) bị phát hiện quả tang sản xuất phân bón giả, cho đến nay, mặc dù đã có kết luận của nhiều Bộ liên quan cùng với chỉ đạo của Chính phủ nhưng vụ việc vẫn tiếp tục rơi vào im lặng đến khó hiểu.
>> Vụ sản xuất phân bón giả: Kiến nghị khởi tố Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong
Trao đổi với VnMedia, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết, ngày 12/11/2016, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp liên ngành liên quan tới việc xử lý vi phạm của công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (gọi tắt là công ty Thuận Phong) trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAW)
Cũng theo ông Thúy, ngày 16/11/2016, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản kết luận về vụ việc nêu trên. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 5 Bộ, gồm Bộ Công Thương (tại văn bản số 338/BCT-HC, ngày 5/8/2016), Bộ NN & PTNT (văn bản số 142/BNN-TT ngày 7/7/2016), Bộ KH&CN (tại văn bản số 114/BKHCN-TĐC, ngày 27/6/2016, và ý kiến của Bộ Tư Pháp, Bộ Quốc Phòng tại cuộc họp này về việc công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra căn cứ ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tại các văn bản đã nêu trên và ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng tại cuộc họp để xử lý những vi phạm của công ty Thuận Phong trong sản xuất, buôn bán phân bón theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/3/2017.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư Pháp, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình xử lý vi phạm của công ty Thuận Phong, đảm bảo việc xử lý đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện kiểm sát quá trình điều tra, xử lý vi phạm đối với công ty Thuận Phong của các cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, dù đã có chỉ đạo của Chính phủ nhưng đến nay vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong khi tiếp tục chờ vụ việc nêu trên được xử lý, bức xúc việc phân bón giả đang trở thành vấn nạn cần cuộc tổng điều tra và xử lý dứt điểm để bảo vệ nền nông nghiệp, quyền lợi cho nông dân, trong tháng 3/2017 vừa qua, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều tra phân bón giả trên phạm vi toàn quốc.
Theo đại diện VNFAW, chỉ trong tháng 10/2016, khi kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón tại TP.HCM, lực lượng liên ngành gồm: Chính quyền địa phương, cơ quan công an, quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại đã phát hiện hơn 20 cơ sở không giấy phép hoạt động, trong đó đã khởi tố 3 cơ sở với 17 bị can theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt đó thì rất khó để đưa các cơ sở sản xuất phân bón trên ra ánh sáng.
Ông Thúy nêu ví dụ vụ việc liên quan đến Công ty CP Thuận Phong. Theo đó, Công ty này đã bị Bộ KH&CN kết luận là sản xuất phân bón giả, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo làm rõ, tuy nhiên vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm mà chưa có kết quả cụ thể.
Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty Thuận Phong. Ảnh: Danviet |
Cần xử lý dứt điểm vụ sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong
Vấn đề phân bón giả đã được đại biểu Quốc hội đưa ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội, cùng với việc vào cuộc của 6 Bộ, ngành nhưng xem ra vụ việc cụ thể tại Công ty Thuận Phong vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ở phiên thảo luận của Quốc hội (ngày 9/6/2017), phân bón giả là một trong những vấn đề được Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Đại biểu Ninh Thuận) nêu rõ. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, khi đến tiếp xúc cử tri ở địa phương nào, ông cũng nghe người dân phẫn nộ về tình trạng phân bón giả.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, vấn nạn phân bón giả gây thiệt hại cho nông nghiệp, thiệt hại cho nông dân ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, sau nhiều lần chất vấn từ nhiệm kỳ trước nhưng đến nay công cuộc phòng, chống phân bón giả trên thực tế chưa mang lại kết quả.
Đại biểu Cương cho biết, hiện thị trường phân bón vẫn tồn tại hơn 7.000 loại phân bón, phân bón lá, bón rễ, phân thật, phân giả, phân kém chất lượng lẫn lộn. Nông dân thì như rơi vào ma trận và thiệt hại thì chỉ biết kêu trời.
"Sau kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng (Bộ NN&PTNT) hứa là sẽ họp bàn và tìm giải pháp nhưng sau 6 tháng trôi qua việc duy nhất làm được là chuyển việc quản lý về đầu mối duy nhất là Bộ NN&PTNT. Còn 7.000 loại phân bón vẫn mặc sức nhảy nhót, tung hoành trên thị trường, đẩy người nông dân đến cảnh khốn đốn", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Điều đáng nói là 11 đơn vị trước đây được Cục Trồng trọt giao trách nhiệm là thử nghiệm và chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón thì cả 11 đơn vị đều sai phạm theo kết luận của chính thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đâu là chỗ dựa tin cậy cho công tác quản lý Nhà nước và phân bón giao về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lấy ví dụ về công tác xử lý những sai phạm trong lĩnh vực phân bón còn diễn ra chậm trễ, chưa quyết liệt, đại biểu Sỹ Cương nêu rõ vụ việc phát hiện nhiều sản phẩm phân bón bị làm giả tại Công ty CP Thuận Phong
"Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Vậy mà một vụ việc sản xuất phân bón giả được 2 đồng chí Phó thủ tướng thường trực Chính phủ của 2 nhiệm kỳ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp, rồi 6 Bộ liên quan đều khẳng định là Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố. Một kênh truyền hình đã có phóng sự là "Kỳ án Thuận Phong. Vâng, đúng là nó rất kỳ. Chỉ có những người không có lương tâm mới bảo kê, tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả làm khổ người nông dân", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Dư luận và cử tri cả nước hiện vẫn tiếp tục chờ đợi vụ việc tại Công ty CP Thuận Phong được xử lý công khai, dứt điểm.
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc