(VnMedia) -
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng nhanh như vậy, Việt Nam có thể sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng.
Chia sẻ trên được đưa ra tại Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Lo ngại rằng Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh
Đại diện cho hơn 1.600 thành viên của các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) chia sẻ, trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số CPI. Cụ thể, năm 2016, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng bình quân 7,3%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng 2,6% của CPI.
Với mức tăng này, ông Hiroshi Karashima cho biết, mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Nếu bao gồm cả những chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.
“Việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng nhanh như vậy, chúng tôi lo ngại rằng Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Tôi cho rằng sẽ là chiến lược khi xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI”, ông Hiroshi Karashima bày tỏ quan điểm.
Hơn nữa, theo Chủ tịch JBAV, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động.
Theo Chủ tịch JBAV, trong khảo sát đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở khu vực châu Á – Thái Binh Dương, tại Việt Nam 75,5 doanh nghiệp đã trả lời rằng ‘việc tăng lương đang ảnh hưởng tới kinh doanh, bên cạnh Indonesia và Trung Quốc, tiền lương tăng đang là vấn đề kinh doanh lớn nhất. Để cắt giảm chi phí, tỷ lệ doanh nghiệp nỗ lực thực hiện tự động hóa sản xuất cũng đang cao hơn các nước khác’.
Trước tình hình này, ông Hiroshi Karashima kiến nghị, khi sửa đổi quy định tiền lương tối thiểu hàng năm, việc dựa vào thực trạng tình hình kinh tế trong và ngoài nước là đương nhiên, nhưng cần cân nhắc đầy đủ để trở thành tiêu chuẩn phù hợp, giữ năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Tăng lương phải dựa trên năng suất lao động
Cũng tại Diễn đàn, ông Jonathan Moreno – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, việc giảm chi phí và tính phức tạp cho hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, mà trong đó đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giúp đảm bảo phát triển khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai.
Theo ông Jonathan Moreno, nền tảng cải thiện sự cạnh tranh và hiệu suất của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Việt Nam là hiệu quả của lực lượng lao động. Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, Việt Nam cần tiếp tục hành động để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống giáo dục quốc gia, đặc biệt là cấp trường nghề và đại học.
Ông Jonathan Moreno cũng cho rằng, hiện đại hóa giáo dục sẽ đảm bảo Việt Nam có một lực lượng quản lý, kỹ sư, và kỹ thuật viên lành nghề có thể nâng cao chuỗi giá trị khi nền kinh tế tăng trưởng.
Liên quan đến vấn đề tiền lương lao động tại Việt Nam, ông Jonathan Moreno cũng bày tỏ quan điểm, trong những năm qua, việc tăng mức lương tối thiểu và chi phí các chương trình bảo hiểm bắt buộc đã không tương xứng với mức tăng năng suất. Kết quả là nhiều công ty trên khắp Việt Nam đang trải qua sự suy giảm về năng suất cho mỗi đồng vốn đầu tư vào nguồn nhân lực. Điều này là không bền vững.
Từ thực tế đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng lưu ý, đề xuất dự thảo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gây quan ngại đặc biệt về chi phí đóng góp bảo hiểm xã hội 18% lương cho lao động nước ngoài. Nếu được thực thi sẽ làm tăng chi phí một cách bất ổn cho nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và không chính đáng bởi nhiều khả năng các nhân viên nước ngoài sẽ không bao giờ được hưởng lợi từ các đóng góp đó.
Theo công bố của Tổng cục thống kê, tỷ lệ theo ngành nghề của nhân công lao động năm 2016 (giá trị sơ bộ) thì ngành nông lâm thủy sản chiếm 41,9%, ngành công nghiệp – xây dựng là 24,7%, ngành dịch vụ 33,4%. Mặt khác, tỷ suất hợp thành GDP của Việt Nam năm 2016 (giá trị sơ bộ) gồm: Ngành nông thủy lâm thủy sản chiếm 16,3%, ngành công nghiệp xây dựng 32,7%. Ngành dịch vụ 40,9%, tiền thuế (trừ tiền hỗ trợ) 10,1%.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc