(VnMedia) -
Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu Quốc hội đã có riêng 1 buổi thảo luận tại tổ và một buổi thảo luận tại hội trường. Theo kế hoạch làm việc, hôm nay, 12/6, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận về nội dung này.
Cụ thể theo lịch làm việc, chiều 12/6 sau khi Chính phủ trình Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ngoại thương thì Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Sau đó Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Vấn đề nợ xấu thực sự thu hút sự quan tâm của không chỉ ngoài xã hội mà còn khiến cả các vị đại biểu Quốc hội khá lo lắng, bức xúc. Trước đó trong phiên thảo luận ngày 7/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói rất nhiều và nhấn mạnh đến việc phải xác định rõ thực trạng nợ xấu, nguyên nhân nợ xấu và việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc để gây ra nợ xấu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thay mặt cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận các ý kiến để bổ sung vào dự thảo Nghị định bao gồm: không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; định nghĩa lại nợ xấu và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.
Liên quan vấn đề xử lý trách nhiệm này, báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo Nghị quyết Chính phủ đã bàn kỹ, không có một quy định nào trong dự thảo Nghị quyết này có thể gây ra, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể trục lợi. Còn các hành vi vi phạm pháp luật mà các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa |
Cũng phát biểu thảo luận tại hội trường sáng ngày 7/6 về vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đoàn Tp. Hà Nội, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng việc có Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là cấp bách cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu. Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, chủ quan có, khách quan cũng có, tuy nhiên theo thống kê cho thấy nợ xấu cao, đột biến đến mức phải có sự can thiệp của Nhà nước thì đều có nguyên do xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế, và trường hợp này đã xảy ra ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu cao đột biến bắt đầu từ năm 2012, lên tới 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân của tình trạng này là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán và kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, tức chiếm hơn 10% tổng dư nợ.
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có nợ xấu hơn 10% mà không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Thắng nêu, trong số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống TCTD. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại để phục vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế.
Về mục tiêu của nghị quyết, cốt lõi là ban hành các cơ chế thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ. Hiện nay đã có cơ chế, thị trường mua bán nợ nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt là những hàng hóa có giá trị là các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế do quy định về điều kiện để tham gia.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thắng, VAMC ra đời là để làm chủ lực xử lý nợ xấu nhưng lại chưa đủ cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng. Vì thế Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ những nút thắt, tạo ra thị trường mua bán nợ đúng nghĩa.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề xuất cần xử lý cả các khoản nợ phát sinh chứ không chỉ khoản nợ cũ.
Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc