(VnMedia) -
“Tăng trưởng nhập khẩu đang phục hồi mạnh trong khi tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố giá, khiến cho cán cân thương mại không thực sự bền vững”.
Đây là một trong những rủi ro vĩ mô trong nền kinh tế trong năm 2017 được đưa ra tại Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: ‘Viễn cảnh kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Làn sóng FDI vào Việt Nam có thể suy giảm
Trên cơ sở phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới hiện nay, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: ‘Viễn cảnh kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR đã đưa ra những nhận định phạm vi và mức độ các rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế trong năm 2017.
Theo đó, sau lần tăng lãi suất vào tháng 12/2016, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) gợi mở khả năng sẽ có ba đợt tăng lãi suất trong năm 2017, với lần đầu tiên đã được thực hiện sau cuộc họp giữa tháng 3/2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ rõ, một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, tỷ giá đồng VND dù được xác định theo cơ chế mới, vẫn sẽ có khả năng tăng giá thực so với các đồng tiền lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.
Một trong những rủi ro nữa được ông Nguyễn Đức Thành đưa ra trong báo cáo là, ảnh hưởng của việc ông Trump đưa nước Mỹ rút khỏi TPP, có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này sẽ gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi sự cải cách tốt hơn trong điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, qua đó duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam.
Trên thực tế, lượng vốn FDI giải ngân cũng bắt đầu có những đấu hiệu chững lại trong quý 1/2017, đạt 3,62 tỷ USD và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức trung bình 10%/quý trong năm 2016). Lượng vốn đăng ký mới đã có xu hướng suy giảm từ đầu năm 2016.
Về thương mại, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng rõ nét. Tỷ trọng đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào xuất khẩu tăng nhanh từ mức 20% tổng giá trị xuất khẩu trong năm 1998 lên 70,2% năm 2016. Điều này cho thấy khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.
Ngoài ra, tăng trưởng nhập khẩu đang phục hồi mạnh trong khi tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố giá khiến cho cán cân thương mại không thực sự bền vững.
Ngân sách và nợ công vẫn là điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù số liệu cho thấy thâm hụt có xu hướng giảm trong hai năm gần đây (so với GDP), nợ công và nợ Chính phủ vẫn liên tục tăng trong thời gian qua.
Hai kịch bản tăng trưởng nền kinh tế
Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: ‘Viễn cảnh kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách của TS. Nguyễn Đức Thành, năm 2017 có đặc điểm khác biệt là ngay từ đầu năm Chính phủ đã quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo đó là mức kém khả thi. Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng theo trạng thái gần với trạng thái ‘tự nhiên’ của nền kinh tế. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 có thể đạt mức 6,27%. Mức tăng này phản ánh xu thế lớn của nền kinh tế là vẫn đang trong hướng hồi phục, nhưng chậm chạp.
Với kịch bản thứ 2, giả định mức tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,7%, rồi trên cơ sở đó dự báo các mức tăng tương ứng của các khu vực trong nền kinh tế. Mục đích là xác định xem cơ cấu kinh tế sẽ thay đổi ra sao để đáp ứng kịch bản tăng trưởng này.
Về mặt bằng giá, VEPR hạ dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2017 (so với các dự báo đầu năm của VEPR) xuống mức thấp hơn 3,5%. Lý do điều chỉnh chủ yếu đến từ cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn diễn ra trong nữa đầu năm, khiến giá thịt lợn và thực phẩm giảm mạnh.
Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng không bị gò ép nhiều, lạm phát cả năm có thể chỉ ở mức 2,35%.
Đối với kịch bản thứ hai, khi Chính phủ sử dụng nhiều biện pháp để kích thích kinh tế, mở rộng sản lượng, lạm phát có thể cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 3,2%.
Điều này cho thấy, trong năm 2017, Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc