Giới trẻ Nhật Bản ít thích nhảy việc hơn người trẻ các nước khác, ngược lại, họ tìm kiếm sự ổn định và bảo đảm. Điều này khiến nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) gặp khó.
Theo Bloomberg, giới trẻ Nhật ngày nay đang sống trong thị trường lao động tốt nhất một thế hệ, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức đáy hai thập niên là 2,8%. Các lời mời cung cấp vị trí làm việc cả đời đang tăng. Năm ngoái, chỉ 6,9% số người trong độ tuổi từ 25 đến 34 nhảy việc.
Đây là vấn đề đau đầu với BOJ khi ngân hàng cố gắng thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát bằng kích thích tiền tệ chưa từng có. Sau bốn năm, BOJ vẫn chờ lương bổng tăng để kéo giá cả đi lên. Song tình hình dịch chuyển lao động thấp và “sự yêu thích tính đảm bảo trong công việc” là hai trở ngại lớn nhất ở Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
Mizuki Yamada, 23 tuổi, chia sẻ suy nghĩ làm khó nhiều nhà hoạch định chính sách BOJ. Sự ổn định là ưu tiên số một của cô khi tìm việc. Cô vừa được nhận vào một ngân hàng lớn và cho hay mình sẽ làm ở đây cho đến khi về hưu. “Tôi bắt đầu nghĩ về nó khi mới nhập học trung học. Tôi được dạy ở trường trung học để trúng tuyển đại học, rồi được dạy ở đại học để kiếm việc làm”, Yamada nói.
Thanh niên độ tuổi 20 ở Nhật Bản thích ổn định nghề nghiệp Ảnh: Bloomberg
|
Số lao động Nhật bỏ việc chỉ bằng một nửa so với người Mỹ. Người trẻ Nhật ngày càng ít chấp nhận rủi ro trong nghề nghiệp. Theo khảo sát của Viện Chính sách lao động và đào tạo Nhật Bản, 55% số người trong độ tuổi 20 không muốn rời công ty họ đang làm, tăng từ mức 34% hồi năm 2004. 9/10 người cho biết họ ủng hộ ý tưởng làm việc cả đời, tăng từ mức 65% năm 2004.
Chuyên gia Masato Gunji của Viện Chính sách lao động và đào tạo Nhật Bản cho hay lớn lên trong môi trường kinh tế khó khăn là lý do giới trẻ Nhật ngại thay đổi: “Từ khi sinh ra, họ chỉ trải nghiệm điều kiện kinh tế tồi tệ. Ngay cả khi nền kinh tế có phục hồi thì đó cũng không phải là sự phục hồi mà họ thực sự cảm thấy”.
Ngược lại, giới trẻ Trung Quốc thì chưa từng trải qua đợt suy thoái nào, Giám đốc điều hành Richard King của hãng tuyển dụng Michael Page ở Tokyo (Nhật Bản) cho hay. “Vì vậy, bạn có nền tảng những nhân viên không sợ hãi, những người cho rằng nếu công việc này không tốt, vẫn còn nhiều cơ hội khác ngoài kia”, ông King nói. Chuyên gia này từng làm việc ở cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhảy việc là chuyện có nhiều rủi ro nhất định trên đất Nhật, nơi nhiều công ty không muốn thuê tuyển nhân viên ở giữa độ tuổi nghề nghiệp, và mất việc làm trọn đời có thể khiến một người rơi xuống bậc thứ nhì của thị trường lao động, được xem như một nhân viên “không thường xuyên”. Những người này thường chỉ có việc làm tạm thời hoặc chịu mức lương thấp.
Thay đổi trong mức lương hằng năm của một lao động bình thường sau khi nhảy việc. Những người trong độ tuổi từ 18-39 thường nhận lương cao hơn sau khi đổi việc Ảnh: Bloomberg
|
Cô Yamada chia sẻ: “Nếu không được, bạn sẽ mất mọi thứ. Tôi không biết tôi có thể rơi vào tình huống tệ đến mức nào”. Quay lưng với sự bảo đảm nghề nghiệp đồng nghĩa với việc quay lưng với cơ hội để được tăng lương. Người lao động trẻ thường xuyên nhảy việc nhận được tiền lương thưởng cao hơn, trong khi những lao động già hơn, những nhân viên “bình thường”, thì bị hạ lương.
Chuyên gia King cho biết: “Đôi khi tôi gặp những người làm việc trong công ty 15, 20 năm. Đồng nghiệp của họ đã chuyển một vài chỗ làm, cũng tốt nghiệp từ trường lớp như họ nhưng có mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần”.
Dù vậy, đây chẳng phải là vấn đề với Tadatoshi Sakai, 22 tuổi, người vừa vào làm tại một doanh nghiệp tư vấn trong năm nay. Anh cho hay mình có nhiều ưu tiên khác, trong đó có việc làm một công việc ý nghĩa và dành thời gian cho gia đình. Anh không quan tâm đến chuyển nhảy việc. “Kỳ vọng của tôi về tương lai không quá cao. Tôi sẽ làm việc, kết hôn, có con, rồi dành thời gian với con, cháu của mình ở cuối đời”, Sakai nói.
Theo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc