Nghịch lý tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam

06:35, 03/06/2017
|
(VnMedia) -  Theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng dựa khá nhiều vào xuất khẩu, nhưng tình trạng nhập siêu của Việt Nam lại kéo dài trong nhiều năm qua.
 
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, ngày 8/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về 'Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020”. Bộ Công Thương được giao xây dựng đề án này và trình Chính phủ trong tháng 6/2017. Cho đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng xong Dự thảo về 'Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020”.
 
Nhập siêu kéo dài thể hiện năng lực nội tại còn yếu
 
Theo dự thảo về 'Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020” của Bộ Công Thương, nhiều thành tựa quan trọng của nền công nghiệp trong 10 năm qua đã được nêu ra. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển.
 
Một trong những điểm nghẽn đáng chú ý tại dự thảo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020” là, nhập siêu kéo dài trong ngành công nghiệp đã cho thấy năng lực nội tại còn yếu.
 
Phân tích về vấn đề này, ông Dương Duy Hưng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho hay, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng dựa khá nhiều vào xuất khẩu, nhưng tình trạng nhập siêu của Việt Nam lại kéo dài trong nhiều năm qua.
 
Hiện Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Ảnh minh họa
Hiện Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Ảnh minh họa
Bằng chứng, quy mô nhập khẩu tăng gần 3 lần trong 10 năm qua từ 57,5 tỷ USD năm 2007 lên 156,4 tỷ USD năm 2015. Tỷ trọng nhập khẩu của ngành công nghiệp trong tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam luôn ở mức cao và liên tục tăng, từ 91,4% năm 2007 lên 94,1% vào năm 2015. Quy mô nhập siêu mặc dù đã giảm dần xuống khoảng 3 lần trong giai đoạn 2011 – 2015 nhưng vẫn ở mức cao (trung bình khoảng 5 tỷ USD/năm) so với giai đoạn 2016 – 2010 (xấp xỉ 15 tỷ USD/năm).
 
Theo Bộ Công Thương, tình trạng nhập siêu kéo dài trong khu vực công nghiệp, đã phản ánh bức tranh về phát triển công nghiệp chưa bền vững của Việt Nam. Trong đó, nền công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối về chuỗi giá trị khi không có khả năng tự cung ứng về nguồn đầu vào và máy móc thiết bị cho sản xuất công nghiệp, dẫn đến ngành công nghiệp trong nhiều năm vẫn cơ bản chỉ có thể pháp triển ở khâu gia công.
 
Cùng với đó, ngành công nghiệp Việt Nam quá bị phụ thuộc vào nhập khẩu và dẫn đến sự thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là phải nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. 
 
Việt Nam chỉ tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng thấp
 
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã đạt được những thành công lớn trong xuất khẩu các hàng chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử và đã có chỗ đứng nhất định trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặt biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất…
 
Cũng theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, do đó rất phụ thuộc vào biến động của cung cầu thị trường thế giới, đặc biệt là các biến động về giá.
 
Đáng chú ý, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam mặc dù được sản xuất trong nước, nhưng hơn 90% nguyên liệu là nhập khẩu và Việt Nam cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu.
 
Dẫn chứng vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, đối với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Việt Nam hiện chủ yếu mới tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 – 10%. 
 
Bộ Công Thương cũng cho biết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, dẫn tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
 
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trên toàn quốc hiện có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ khu vực chế tạo, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. 
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc