(VnMedia) - Trong 5 tháng đầu năm, Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với khá nhiều mặt hàng. Trong đó có thể kể đến như, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sản phẩm điện tử và linh kiện…
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 vừa qua đạt 36,39 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt gần 162,45 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu trong tháng 5 đạt 17,93 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt gần 79,98 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu trong tháng 5 đạt gần 18,46 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 5 tháng/2017 đạt 82,47 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng vừa qua, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 32,76 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc vươn lên là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với 23,94 tỷ USD, tăng mạnh 45,2%. Đáng chú ý, thị trường Hoa Kỳ đánh mất vị trí thứ 2 cho Hàn Quốc và trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 19,96 tỷ USD, tăng 12,9%.
Trong 5 tháng đầu năm, mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam thì chỉ có 3 thị trường đạt thặng dư thương mại. Trong đó, Hoa Kỳ là đối tác đem lại thặng dư thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với 12,07 tỷ USD; tiếp theo là thị trường EU với với thặng dư 10,03 tỷ USD, thị trường Nhật Bản đạt được thặng dư nhỏ 152 triệu USD.
Trong khi đó về thâm hụt thương mại, thị trường Hàn Quốc đứng đầu với trị giá thâm hụt 12,96 tỷ USD, đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 11,5 tỷ USD; với Đài Loan là 3,9 tỷ USD;…
Hàng hóa Hàn Quốc “lấn át’ Trung Quốc
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng đầu năm đạt 53,98 tỷ USD, chiếm 65,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, có 17/54 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 1 nhóm hàng so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng chú ý trong 5 tháng đầu năm là, Hàn Quốc đã ‘soái ngôi’ là thị trường nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất của Việt Nam, thay cho Trung Quốc.
Theo đó, đối với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng xuất xứ từ Hàn Quốc đã tăng 128,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 5 vừa qua đã đạt kim ngạch 3,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong 5 tháng đầu năm đạt 14,95 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng lớn nhất cho Việt Nam là Hàn Quốc vẫn giữ ngôi đầu, thay thế Trung Quốc với kim ngạch 4,94 tỷ USD, tăng 128,1% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 4,41 tỷ USD, tăng 29,3%; Nhật Bản đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 1,74 tỷ USD, tăng 6,2%.
Trong khi đó, nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu trong tháng 5 đạt 2,96 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng/2014 đạt 13,42 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Hải quan cho biết, các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam 5 tháng đầu năm chủ yếu gồm thị trường Hàn Quốc với 4,93 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Trung Quốc với 2,68 tỷ USD, tăng 28,7%...
Ở nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 5 đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong 5 tháng đầu năm đạt 5,12 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện nhập về Việt Nam 5 tháng đầu năm chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 2,67 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc là 1,9 tỷ USD, tăng 35,1%;…
Ở nhóm hàng nguyên phụ liệu cho dệt may, da giầy (bao gồm bông các loại; xơ, sợ dệt các loại, vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy), trong tháng 5 vừa qua đạt gần 2,08 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng đạt 8,47 tỷ USD.
Nhập khẩu nhóm nguyên phụ liệu này trong 5 tháng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 3,57 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc với 1,18 tỷ USD, tăng 5,7%, từ Đài Loan là 992 triệu USD, tăng 5,4%, từ Hoa Kỳ là 775 triệu USD, tăng 72,8%.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc