(VnMedia) - Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí...
Đưa ra các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất, giải quyết cơ bản các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ.
Hỗ trợ tích cực để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp trong nước và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.
Đặc biệt, khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lớn của nền kinh tế.
Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí... Đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh vừa là giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm sự phát triển bền vững, phục vụ cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong thời gian sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, theo đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính. Cụ thể là hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc