Bất ngờ với hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam

08:24, 02/06/2017
|

(VnMedia) - Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016), hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng doãng xa một cách so với các quốc gia trong khu vực.

Công nghệ thấp luôn chiếm tỷ trọng cao tại Việt Nam

Đưa ra những mặt trái của ngành công nghiệp Việt Nam trong 10 năm qua, Bộ Công Thương cho biết, nhóm các ngành công nghiệp công nghệ thấp đã luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và mức độ cải thiện diễn ra chậm.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 chỉ đạt khoảng 2,4%/năm, tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân của nền kinh tế (khoảng 3,9%).

“Công nghệ thấp là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Lý giải về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, do cơ cấu sản xuất công nghiệp chuyển biến chậm, các ngành công nghiệp công nghệ trung bình đi kèm với ô nhiễm vẫn tiếp tục tăng trưởng cao. Việt Nam chưa bứt phá ra khỏi các ngành công nghiệp công nghệ thấp và trung bình, tỷ lệ đầu tư chủ yếu tập trung quá nhiều vào khu vực này.

Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên. Ảnh minh họa
Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên. Ảnh minh họa

Đặc biệt, các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, hóa chất, nhiệt điện, dệt may và da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống… vẫn tiếp tục mở rộng quy mô nhưng không đi kèm với sự gia tăng về cải tiến công nghệ dẫn đến nguy cơ về tăng trưởng không bền vững.

Bộ Công Thương cho biết, đầu tư FDI vào công nghiệp vẫn chiếm chủ đạo trong các ngành, đặc biệt là vào ngành công nghiệ chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016) thì hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng doãng xa một cách đáng lo ngại so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên toàn cầu, đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39, Campuchia 44.

Cũng theo Bộ Công Thương, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa diễn ra một cách hiệu quả, nhất là ở một số ngành quan trọng, gây cản trở cho tăng năng suất thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý.

Năng lực của cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước còn nhiều hạn chế, dẫn đến nội lực yếu nên không tranh thủ được ngoại lực một cách có hiệu quả. Do đó, khu vực này không những không tác động đến đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua như kỳ vọng, mà còn tạo nên những bất lợi cho phát triển của khu vực doanh nghiệp nội địa.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn thấp

Thông tin của Bộ Công Thương của cho biết, năm 2015, khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, 40% vốn đầu tư và 62% tổng số việc làm của khối doanh nghiệp; thu nhập bình quân trên lao động là 42 triệu đồng/năm vào năm 2010 lên 74 triệu đồng/năm vào năm 2015. Tuy nhiên, hơn 95% doanh nghiệp tư nhân hiện nay là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Vì vậy, vốn bình quân của loại hình doanh nghiệp này chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của 1 doanh nghiệp Nhà nước và 19% của doanh nghiệp FDI. Tài sản cố định bình quân của khối này cũng chỉ dao động ở mức 4 – 7 tỷ  đồng và chỉ bằng 1% của doanh nghiệp Nhà nước và 5% doanh nghiệp FDI.

“Mặc dù chiếm đông đảo về số lượng, nhưng tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của loại hình doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 40% tổng toàn bộ khối doanh nghiệp”, Bộ Công Thương cho hay.

Cũng theo Bộ Công Thương, khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển chậm, thiếu liên kết, tập trung trong khu vực phi chính thức, quy mô nhỏ, với công nghệ phần lớn lạc hậu, khó khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô. Đa số các doanh nghiệp tư nhân chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn và thiếu sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, quy mô vốn nhỏ khiến doanh nghiệp tư nhân bị yếu thế trong cạnh tranh tiếp cận các nguồn lực sản xuất và không đủ sức tích lũy, đầu tư để vươn ra thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bất động sản và thương mại, rất ít doanh nghiệp lớn trong ngành chế tạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Trước tình trạng trên, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) đã sụt giảm khá mạnh trong 5 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các doanh nghiệp VNR500 năm 2015 giảm 5% so với năm 2011.

Cùng với đó, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa bị bỏ xa so với các doanh nghiệp FDI. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp thuộc nhóm FDI luôn chiếm xấp xỉ 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, da dày các doanh nghiệp FDI tuy chỉ chiếm 23% trong tổng số doanh nghiệp da giày nhưng đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu. Dệt may, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng xấp xỉ 20%, tuy nhiên lại đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu với khoảng 60 – 70%.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc