(VnMedia) - Liên quan tới dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Mỹ (xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CSVN) "lật kèo" khiến chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Gỗ Tiến (Gỗ Tiến) gặp nhiều khó khăn, ngày 19/5 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cổ phần Gỗ Tiến đã có buổi gặp gỡ để trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc của dự án này.
>> Tập đoàn cao su Việt Nam "lật kèo", doanh nghiệp điêu đứng
>> Vụ "lật kèo" dự án KCN Cẩm Mỹ: Cao su Việt Nam tiếp tục gây khó chủ đầu tư
Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ giữa hai bên vẫn chưa thống nhất được quan điểm và phương hướng hợp tác cho tương lai của dự án này.
Cụ thể, đại diện cho CSVN, ông Trần Công Kha - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CSVN cho rằng: Gỗ Tiến chậm triển khai dự án, giấy phép giới thiệu địa điểm đã hết hạn và căn cứ Nghị định 28/2014/NĐ-CP, đất cao su quản lý phải do cao su tham gia trong vai trò cổ đông chi phối. Ngày 13/5/2016, CSVN có quyết định sẽ tham gia đầu tư dự án cùng với Gỗ Tiến.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phi Tiến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Tiến, vấn đề “hồi tố” của CSVN dựa vào Nghị định 28 là không hợp lý. Bởi, dự án đã được cấp phép từ năm 2008, Nghị định ra đời năm 2014 không thể áp dụng cho dự án này. Hơn nữa, giữa Gỗ Tiến và CSVN đã có văn bản thỏa thuận CSVN thống nhất việc UBND huyện Cẩm Mỹ giới thiệu Gỗ Tiến làm chủ đầu tư KCN Cẩm Mỹ; đồng thời có ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần Gỗ Tiến ghi rõ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không tham gia dự án KCN Cẩm Mỹ và đồng ý cho dự án triển khai trong vòng 10 năm khi đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển KCN.
Phối cảnh quy hoạch Khu công nghiệp Cẩm Mỹ |
Ông Tiến cũng trả lời cho CSVN rõ hơn về quan điểm chậm triển khai dự án mà ông Kha nêu là không có cơ sở, bởi UBND tỉnh Đồng Nai đã gia hạn giấy phép và xác nhận việc triển khai dự án chậm là do CSVN không nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện khi chủ đầu tư đã đủ tiềm lực về kinh tế, đối tác, thời gian triển khai dự án cam kết trong vòng 2 năm (kể từ khi được bàn giao đất).
Ông Tiến cũng chia sẻ thêm những khó khăn trong vụ việc này, khi từ đầu CSVN đã từ chối tham gia, Gỗ Tiến tiếp nhận và kêu gọi đầu tư từ các đối tác nước ngoài. Nhưng đến nay, không triển khai dự án, các đối tác nước ngoài khiếu kiện và muốn kiện ra tòa quốc tế đối với việc chậm trễ bàn giao của CSVN.
Trước đó, ngày 21/12/2016 tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã họp nghe "báo cáo và đề xuất xử lý dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Cẩm Mỹ" giữa CSVN, công ty Gỗ Tiến và các cơ quan ban ngành liên quan. Cụ thể, thành phần tham dự bao gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND huyện Cẩm Mỹ, CSVN và Công ty CP Gỗ Tiến.
Ông Nguyễn Phi Tiến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Tiến trao đổi với PV |
Là chủ đầu tư dự án, tại cuộc họp, ông Nguyễn Phi Tiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Gỗ Tiến trình bày các trình tự pháp lý, tài chính, thực tế diễn ra và các vướng mắc từ năm 2008, khi UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Gỗ Tiến làm chủ đầu tư KCN Cẩm Mỹ và Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã có văn bản gửi CSVN báo cáo không tham gia dự án KCN.
Tại cuộc họp này, ông Trần Văn Vĩnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng việc CSVN hồi tố là không hợp lý hợp tính, nghiêm khắc phê bình việc coi thường hệ thống chính quyền của CSVN khi bác các quyết định của huyện Cẩm Mỹ. Đồng thời, khuyến khích CSVN thuận tình tạo điều kiện cho Gỗ Tiến tiến hành triển khai dự án.
Văn bản Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM đồng ý tài trợ vốn cho dự án của Gỗ Tiến (ảnh trái) và Văn bản Vietinbank Chi nhánh TP.HCM thông báo Gỗ Tiến có số dư 120 tỷ đồng trong tài khoản để thực hiện dự án. |
Ngày 22/12/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản kết luận về cuộc họp trên: KCN Cẩm Mỹ với diện tích 300 ha đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các khu công nghiệp dự kiến thành lập mới tại văn bản số 964/TTg-KTN ngày 17/6/2009. Công ty Cổ phần Gỗ Tiến đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận thỏa thuận địa điểm đầu tư dự án KCN Cẩm Mỹ tại xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ tại văn bản số 3494/UBND-CNN ngày 18/5/2012 và văn bản số 7792/UBND-ĐT ngày 22/8/2014 gia hạn hiệu lực thỏa thuận địa điểm đến ngày 18/5/2016.
Tại thời điểm năm 2008, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Trung ký văn bản số 2501/CSVN-KHĐT, qua đó thống nhất việc UBND huyện Cẩm Mỹ giới thiệu Công ty Cổ phần Gỗ Tiến làm chủ đầu tư KCN Cẩm Mỹ; đồng thời có ký Bản thỏa thuận với Công ty Cổ phần Gỗ Tiến ghi rõ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không tham gia dự án KCN Cẩm Mỹ. Do đó để thống nhất xử lý đầu tư hạ tầng KCN Cẩm Mỹ, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần xem lại quá trình lịch sử đầu tư của Tập đoàn, chủ động làm việc với Công ty Cổ phần Gỗ Tiến để thống nhất việc đầu tư hạ tầng KCN Cẩm Mỹ, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Gỗ Tiến trong việc thực hiện dự án, không để khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Công việc hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/01/2017.
Gỗ Tiến khẳng định, sau khi CSVN có văn bản đồng ý cắt cây và bàn giao mặt bằng, việc thanh toán tiền Ngân hàng Vietinbank sẽ thực hiện ngay như cam kết.
Tuy nhiên, cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa và chờ kết luận của UBND tỉnh Đồng Nai theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình theo văn bản số 4039/VPCP-V.1 ban hành ngày 24/4/2017 chỉ đạo “UBND Tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Gỗ Tiến và đề nghị của CSVN liên quan đến đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng kỹ thuật hạ tầng KCN Cẩm Mỹ” theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng chính phủ trước ngày 1/6/2017”.
Dự kiến, UBND tỉnh Đồng Nai mở cuộc họp vào ngày 25/5/2017 tại UBND tỉnh để kết luận về vấn đề này. Ngoài Gỗ Tiến và CSVN còn có đại diện của Vụ 1-Văn phòng Chính phủ và các cơ quan sở ban ngành tỉnh dự họp.
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc