Vì sao người Việt hay bị mất tiền trong tài khoản cá nhân?

06:59, 20/05/2017
|
(VnMedia) -  Hiện nay, nhiều người tiêu dùng, mặc dù để số tiền lớn trong tài khoản nhưng không đăng ký sử dụng dịch vụ thông báo biến động tài khoản qua tin nhắn điện thoại. Vì vậy, khi có các giao dịch phát sinh trái phép, người tiêu dùng không biết để ngân hàng tạm khóa tài khoản. 
 
Người tiêu dùng vẫn thiếu cảnh giác
 
Thời gian vừa qua, trên thị trường đã xuất hiện nhiều vụ khách hàng bỗng nhiên bị mất tiền trong tài khoản, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
 
Đưa ra đánh giá về tình trạng này, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do sự chủ quan, thiếu cảnh giác của người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, vụ việc tài khoản thẻ hoặc tài khoản ngân hàng bị mất tiền không rõ nguyên nhân trong thời gian gần đây, một trong những cách thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc tài khoản bị rút tiền không rõ nguyên nhân đã được các ngân hàng liên tục cảnh báo và hướng dẫn khách hàng thực hiện là đăng ký dịch vụ thông báo biến động tài khoản qua tin nhắn điện thoại. 
 
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng, mặc dù để số tiền lớn trong tài khoản nhưng không đăng ký sử dụng dịch vụ trên. Vì vậy, khi có các giao dịch phát sinh trái phép, người tiêu dùng không được thông báo, không biết nên không kịp liên hệ để ngân hàng tạm khóa tài khoản. Nếu kịp thời biết về các giao dịch trái phép, người tiêu dùng hoàn toàn có thể ngăn chặn thất thoát một phần tiền từ tài khoản của mình.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đặc biệt hơn, người tiêu dùng có thể nhận được tin nhắn từ một kẻ giả làm đại diện ngân hàng với thông điệp cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật và yêu cầu gọi điện đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu được cấp tài khoản và mật khẩu để xác nhận. 
 
Hoặc hình thức tương tự là người tiêu dùng nhận được email thông báo cần cung cấp thông tin tài khoản để thực hiện một số biện pháp xác nhận của ngân hàng. Rất nhiều người tiêu dùng đã cung cấp chi tiết các thông tin cho đối tượng lừa đảo, dẫn đến, tài khoản bị truy cập và lấy tiền trái phép. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, với việc giả danh là cơ quan công an đang điều tra một vụ án, đối tượng lừa đảo rất dễ dàng hướng dẫn người tiêu dùng chuyển tiền trực tiếp vào một tài khoản được chỉ định để phục vụ cho việc xem xét điều tra.
 
Không chỉ mất tài khoản trong ngày hàng, thời gian vừa qua cũng xảy ra nhiều vụ bị đánh cắp thông tin do thực hiện giao dịch tài chính tại các điểm wifi công cộng. 
 
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sự phát triển của công nghệ điện thoại thông minh và sự phổ cập của Internet đã đơn giản hóa và tạo thuận lợi tối đa cho các dịch vụ giao dịch trực tuyến. Một trong các dịch vụ đó là việc thực hiện các giao dịch tài chính trên các ứng dụng di động của ngân hàng được cài đặt trên điện thoại. 
 
“Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia về tính bảo mật yếu của mạng wifi công cộng, nhưng thực tế vẫn có nhiều người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các wifi công cộng tại quán café, tại sân bay, tại điểm truy cập Internet ở ngoài hàng…Nhiều trường hợp như vậy đã bị đánh cắp thông tin tài khoản, bị mất mật khẩu và bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch trái phép trên tài khoản của người tiêu dùng”, Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.
 
Không những thế, một trong trường hợp khá phổ biến có thể gây mất cắp thông tin hiện nay, là hình thức chụp các hình ảnh có thông tin cá nhân hoặc thông tin giao dịch để chia sẻ với bạn bè. 
 
Theo các chuyên gia, chỉ cần sử dụng phần mềm đơn giản có thể đọc được những thông tin lưu giữ trên mã vạch của vé máy bay, ví dụ: họ tên hành khách, lịch sử bay, tình trạng đặt chỗ, một số trường hợp có thể truy cập được thông tin tài khoản mà hành khách sử dụng để giao dịch…Những thông tin này nếu bị lợi dụng có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người tiêu dùng.
 
Cần hiểu và nhận thức được những giá trị thông tin mà mình chia sẻ
 
Trước những tình trạng phổ biến như trên, nhiều chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhận định, rằng dữ liệu giờ đây mới là nguồn tài nguyên quý giá nhất chứ không phải dầu mỏ. Sự phát triển của các công ty, tập đoàn lớn như Google, Facebook, Amazon là minh chứng cụ thể cho thấy việc khai thác và quản lý dữ liệu người tiêu dùng mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho các tổ chức, công ty. 
 
Với một giá trị được định hình và là thứ tài sản quý giá đối với nhiều doanh nghiệp như vậy, bản thân người tiêu dùng cần phải có sự thay đổi trong việc chia sẻ và sử dụng thông tin của mình, đặc biệt trong thời kỳ kỹ thuật số, khi một thông tin chia sẻ trên Facebook có thể sẽ được tiếp tục chia sẻ tới hàng nghìn phương tiện truyền thông khác.
 
Từ một khía cạnh khác, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng, sự phát triển bùng nổ của các ứng dụng trên mạng cho phép người tiêu dùng có thể tham gia sử dụng rất nhiều loại hình, ứng với mỗi loại hình đó là một khía cạnh thông tin của người tiêu dùng. 
 
Ví dụ, tại các trang mua bán trực tuyến, người tiêu dùng để lại thông tin về sở thích mua sắm, món hàng mua sắm, thông tin thẻ…Tại các trang mạng xã hội, người tiêu dùng chia sẻ thông tin về sở thích bản thân, kế hoạch du lịch…Tại các diễn đàn thông tin, người tiêu dùng chia sẻ thông tin về nghề nghiệp, thu nhập, gia đình…Với sự hỗ trợ của các phần mềm công nghệ, một bên hoàn toàn có thể thu thập và tổng hợp toàn bộ thông tin liên quan đến bản thân của người tiêu dùng, từ đó, tạo hình thành một "con người ảo" của chính người tiêu dùng trên môi trường Internet. 
 
“Với vai trò là người chủ, là người sở hữu thông tin, người tiêu dùng trong các quá trình giao dịch hoặc thực hiện chia sẻ thông tin trên các phương tiện kỹ thuật số cần hiểu và nhận thức được những giá trị thông tin mà mình chia sẻ, từ đó, có những biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho thông tin, cho chính quyền lợi của bản thân mình”, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc