Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam không nhiều như công bố

14:50, 09/05/2017
|
(VnMedia) – Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, ý kiến cho rằng Việt Nam là quốc gia sử dụng bia, rượu đứng hàng đầu Đông Nam Á và thế giới là chưa chính xác.
 
Thông tin trên được đưa ra tại Tọa đàm về đề xuất xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa diễn ra sáng nay (9/5) tại Hà Nội.
 
Tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam kém xa các nước châu Âu
 
Uống rượu đã trở thành nét văn hóa của người Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới. Ở nước ta, rượu sản xuất bằng phương pháp thủ công đã có từ lâu đời, trong khi đó rượu sản xuất công nghiệp chỉ được hình thành từ cuối thế kỷ 19 khi người Pháp xây dựng các cơ sở sản xuất rượu ở một số địa phương.
 
Theo Báo cáo của Tổ chức sức khỏe thế giới (Who, 2014) về tình trạng sử dụng bia, rượu trên thế giới (tính theo độ cồn tuyệt đối và dân số từ 15 tuổi trở lên) xếp Việt Nam ở mức trung bình thấp khoảng 6,6 lít còn nguyên chất/người/năm và đứng thứ 94/194 quốc gia thành viên của Who).
 
Tại châu Á, Việt Nam đứng sau các quốc gia như Hàn Quốc (12,3 lít/người); Lào (7,3 lít/người), Nhật (7,2 lít/người); Thái Lan 7/1 lít/người) và kém xa các nước châu Âu, Bắc Mỹ…
 
Theo báo cáo của Kirin, năm 2014, sản lượng tiêu thụ bia toàn cầu tăng 730 triệu lít (tương đương 1,2 tỷ chai bia 633 ml), đạt mức 189,06 tỷ lít (hay tương đương 298,7 tỷ chai 633 ml). So sánh với năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng đạt 0,4%, đánh dấu năm thứ 29 tăng trưởng liên tiếp. Như vậy, sản lượng bia tiêu thụ trên thế giới vẫn tăng lên chứ không phải giảm dần như ý kiến đã đưa ra trong thời gian vừa qua.
 
Tiêu thụ bia rượu tại Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia như Hàn Quốc, Lào, Nhật và kém xa các nước châu Âu, Bắc Mỹ…. Ảnh minh họa
Tiêu thụ bia rượu tại Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia như Hàn Quốc, Lào, Nhật và kém xa các nước châu Âu, Bắc Mỹ…. Ảnh minh họa
 
Trước những phân tích trên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam khẳng định: “Ý kiến cho rằng Việt Nam là quốc gia sử dụng bia, rượu đứng hàng đầu Đông Nam Á và thế giới là chưa chính xác”.
 
Theo Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, năm 2012 đã có 78 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trên 10 lít/năm. Năm 2014 sản lượng bia đạt 2.948 triệu lít.
 
Năm 2010, sản lượng rượu công nghiệp đạt 80 triệu lít, sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép là 32 triệu lít. Đáng lưu ý, theo ước tính hiện nay vẫn còn khoảng hơn 230 – 280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được. 
 
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, hiện nay, rượu sản xuất theo phương pháp thủ công còn lạc hậu về công nghệ, quy mô nhỏ lẻ khó kiểm soát về số lượng và chất lượng.
 
Nên kiểm soát rượu bằng tiêu chuẩn
 
Theo thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm, vừa qua, Bộ Y tế đã đề xuất báo cáo Chính phủ Quốc hội xem xét đưa dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
 
Đưa ra ý kiến về đề xuất này, Luật sư Trương Minh Đức - Công ty Luật Basico cho biết, rượu bia luôn có hai mặt lợi và hại. “Tác hại cũng có mà mặt lợi cũng có, vậy nên nếu ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì xem chừng coi rượu bia ngang với ma túy”, ông Đức bày tỏ quan điểm.
 
Cũng theo Luật sư Đức, Bộ Y tế đã công bố có 85 văn bản liên quan tới quản lý rượu bia và rượu bia có thể nói là một trong lĩnh vực kinh doanh có nhiều quy định nhất hiện nay. Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, Luật an toàn thực phẩm, Luật quảng cáo, Luật đầu tư, Luật hình sự… đều có chế tài đối với rượu bia.
 
Ngoài ra, để kinh doanh bia rượu cung phải chịu hàng chục các loại giấy phép khác nhau. Phải có giấy phép sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn, dán tem….và cấm quảng cáo rượu dưới mọi hình thức. Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế còn đề xuất cấm bán trong quán caraoke là những khó khăn cho lĩnh vực kinh doanh này.  
 
Bà Phan Thị Kim – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đưa ra ý kiến về Luật vừa được Bộ Y tế đề xuất nên dùng tên là Luật kiểm soát rượu bia và đồ uống có cồn thay cho tên Dự thảo là phòng chống tác hại của rượu bia. “Tôi đã nghiên cứu ở rất nhiều nước, ngay ở Mỹ họ cũng nghiên cứu rất kỹ, nếu rượu bia chỉ có hại thì sao lại tồn tại tới ngày nay”, bà Kim nói.
 
Theo bà Kim, hiện nay, các nước đưa ra giới hạn sử dụng tối đa bao nhiêu rượu bia là chấp nhận được. Theo đó, ở Úc đưa ra 2-4 cốc bia/ngày, Nhật Bản cũng 2-4, Hà Lan  khoảng 4 cốc bia; Newzelan, 4-6, Thủy Điển 4, Mỹ đối với nữ 3 cốc, nam 4 cốc bia/ngày…
 
Bà Kim cũng cho rằng, nên kiểm soát rượu bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, không nên tăng thuế mãi vì tăng thuế sẽ làm cho rượu, bia lậu xâm nhập vào Việt Nam.
 
Bà Kim chia sẻ thêm, nhiều nghiên cưới khoa học ở Việt Nam và quốc tế đã chỉ ra lạm dụng rượu có một tác hại rất lới với sức khỏe và xã hội. Đặc biệt, ở phụ nũ gia tăng tỷ lệ bệnh gan và ung thư vú khi so sánh với nam giới. Uống rượu nhiều giảm sự tỉnh táo dẫn gây xung đột. Rượu là một thức uống gây nghiện. Nếu uống rượu quá liều sẽ dẫn đến nhiều bi kịch như tai nạn giao thông, lú lẫn, hội chứng nghiện rượu.
 
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, việc sử dụng rượu không đảm bảo chất lượng an toàn đã gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Trong 10 năm từ 2007 – 2016 đã có 53 vụ, với 294 người mắc (trong đó có 88 người đã tử vong).
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc