(VnMedia) –
Theo các doanh nghiệp thuốc lá, việc thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, rất khó xác định thuốc lá bị tịch thu còn chất lượng hay không do chưa có quy chuẩn.
Ngày 18/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3825/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạp về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là” “Đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất”. Trước thông báo này, nhiều doanh nghiệp đã có gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Khó xác định được chất lượng thuốc lá nhập lậu
Đưa ra kiến nghị về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập bị tịch thu theo Công văn số 3825/VPCP-V.I, Tổng Công ty Khánh Việt cho rằng, hiện rất khó để xác định thuốc lá bị tịch thu còn chất lượng hay không do chưa có quy chuẩn. Thực tế hai nhãn thuốc lá nhập lậu lớn nhất vào Việt Nam là Jet và Hero đã có hàm lượng Tar 19,6 mg/điếu vượt ngưỡng 12,2% và hàm lượng Nicotine 2,09 mg/điếu vượt ngưỡng 49,2% so với quy chuẩn của Việt Nam.
Cũng theo Tổng Công ty Khánh Việt, việc bán đấu giá thuốc lá nhập lậu phải có giá sàn hay giá tối thiểu. Vậy cơ sở nào để xác định giá tối thiểu và giá tối thiểu sẽ theo phân khúc nào?… vẫn còn là dấu chấm hỏi. Trong khi đó, thuốc lá nhập lậu không có cảnh báo tác hại bằng hình ảnh, không ghi nơi sản xuất và hạn sử dụng, khi tiêu thụ nội địa thì trên thị trường trong nước sẽ có một dòng hàng thuốc lá không thực hiện đúng Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Mặc khác, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ tạo ra kẽ hở cho việc hợp thức hóa thuốc lá lậu và thuốc lá giả nhãn hiệu nhập lậu.
Đồng quan điểm, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên cũng cho rằng, việc cho phép tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu dễ làm tăng nguy cơ thẩm lậu, tạo môi trường để thuốc lá nhập lậu được đưa trở lại Việt Nam một cách dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên cho biết, việc thí điểm bán thuốc lá điếu nhập lậu nêu trên cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng.
“Việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển...”, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên cho hay.
Kiến nghị xem xét quyết định tiêu hủy 100% thuốc lá lậu
Thông tin từ Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, năm 2013, 2014 thuốc lá lậu đã gia tăng nhanh chóng, ước tính khoảng 1 tỷ bao, gây thất thu thuế gần 10.000 tỷ đồng (500 triệu USD) mỗi năm.
Theo báo cáo Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á được khảo sát (gồm: Indonesia, Thái lan, Campuchia, Đài Loan, Lào, Úc, Philippin, Sin ga po, Việt Nam, Myanmar, Pakistan, Hồng Kông, Malaysia, Brunei).
Nguyên nhân buôn lậu được Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận 350%, trốn tất cả các loại thuế gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%. Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.
Trước tình hình này, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 vừa diễn ra, ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định tiêu hủy 100% thuốc lá lậu, không đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.
Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện Hệ thống văn bản pháp luật, thống nhất các quy định pháp lý xử lý thuốc lá nhập lậu tại: Bộ Luật Hình sự 2015, Luật Đầu tư 2004, Công văn 06 ngày 6/1/2016 của Tòa án Tối cao theo hướng sẽ xử lý hình sự, đối với hành vi buôn lậu thuốc lá với số lượng bao thuốc bị bắt giữ 1.500 bao trở lên và 500 bao nếu vi phạm lần thứ 2.
“Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2013, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá về Bộ Tài chính quản lý để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích 50% Quỹ cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị và phương tiện cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá. Như vậy việc sử dụng quỹ sẽ hiệu quả hơn”, ông Vũ Văn Cường kiến nghị.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc