Nữ doanh nhân "quyền lực" của ngành tài chính, bất động sản qua đời

14:27, 13/05/2017
|

Bà Trần Thị Hường hay còn được mọi người gọi với tên bà Tư Hường, cố vấn cấp cao của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu, vừa qua đời vì tuổi cao sức yếu, bà hưởng thọ 82 tuổi.

Bà Tư Hường sinh ngày 20/4/1936 tại Bình Định. Bà từng được biết đến là người đi lên từ bàn tay trắng, gây dựng cơ nghiệp nên Tập đoàn Hoàn Cầu- chuỗi doanh nghiệp mạnh về bất động sản (BĐS) cao cấp.

Những năm gần đây, dù tuổi cao nhưng bà vẫn là người nắm quyền lực, cố vấn cấp cao tại Ngân hàng Nam Á. Bà Tư Hường rất nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng và BĐS.

Công ty Hoàn Cầu của gia đình bà Tư được thành lập vào năm 1993, hoạt động chính trong lĩnh vực BĐS với vốn điều lệ ban đầu là 193 tỉ đồng. Đến năm 2016, sau hơn 23 năm, Tập đoàn Hoàn Cầu đã có vốn điều lệ 1.170 tỉ đồng cùng hơn 30 công ty thành viên trên khắp cả nước và trải dài trong các hoạt động từ tài chính-ngân hàng đến BĐS, bao gồm BĐS, BĐS nghỉ dưỡng, khu đô thị; du lịch, dịch vụ giải trí; sân golf... với hàng loạt các dự án nổi đình nổi đám trên thị trường.

Bà Trần Thị Hường
Bà Trần Thị Hường


Trên thương trường, không mấy ai là không biết đến bà Tư Hường nhưng với truyền thông, bà lại rất kiệm lời. Dù tài sản của bà chưa có số liệu nào thống kê, đo đếm được và giới truyền thông cũng không có dịp để chứng thực điều này song giới quan sát tin chắc bà là một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Trong một lần trả lời hiếm hoi trên truyền thông cách đây bốn năm, bà Tư Hường khẳng định sự nghiệp của bà được gây dựng từ bản thân, không lợi dụng ai hay quan chức nào. Hiện các con của bà đang chia nhau cai quản tài sản của gia đình trong các lĩnh vực.

Thông tin từ báo chí cho hay sau khi kết hôn bà có 10 người con, trong đó có ba con trai. Làm thuê và buôn bán nhỏ nhưng nhờ năng động, trước ngày đất nước thống nhất, bà tích lũy được một số vốn, cơ sở để khởi nghiệp kinh doanh sau này.

Bà Hường từng cho biết bà phải đi ở, rồi đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, rồi sau đó thích làm BĐS. “Tôi đi lên là nhờ buôn bán BĐS”.

Từ đầu những năm 90, bà đã nổi tiếng với hai thương vụ. Đó là bà đầu tư xây Nhà máy bia ở Khánh Hòa, bà góp 45% vốn, phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau bà bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD, lãi 5 triệu USD từ thương vụ này.

Không lâu sau bà xây dựng Nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức, TP.HCM, sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu đô bằng cách bán và xây dựng Nhà máy nước tăng lực Lipovitan (khoảng 17 triệu USD).  

Theo Pháp luật TP.HCM


Ý kiến bạn đọc