Nhiệt điện than có quan ngại môi trường, nhưng là nguồn cần thiết

07:13, 06/05/2017
|
(VnMedia) -  Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mặc dù các dự án nhiệt điện than vướng phải những quan ngại môi trường, nhưng đây là nguồn điện cần thiết phải có để đáp ứng nhu cầu phát triển. 
 
Tại "Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, để phát triển ngành năng lượng, trong thời gian qua Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch và phân ngành phát triển, như quy hoạch phát triển ngành than, điện và dầu khí… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngành than và dầu khí đến 2030.
 
Để phát triển ngành năng lượng hợp lý và hài hòa, khai thác và sử dụng tối ưu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phát triển ngành năng lượng quốc gia chung với ba phân ngành: than, điện, dầu khí, giai đoạn 2030 tính đến 2035. Hiện đã xây dựng xong và thời gian tới thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quy hoạch này chưa được phê duyệt chính thức, chưa được thẩm tra nên số lượng báo cáo chưa được thống nhất, nhưng cũng thấy bức tranh tương đối đầy đủ của ngành, qua đó thấy rằng thời gian qua có nỗ lực lớn nhưng nhu cầu năng lượng của ta là rất lớn. 
 
Các dự án thủy điện nhỏ và vừa không phải dự án nào cũng thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa
Các dự án thủy điện nhỏ và vừa không phải dự án nào cũng thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa
 
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nếu quy đổi dầu 2015 - 2035 nhu cầu năng lượng cao là 4,79%, riêng ngành điện sử dụng điện tăng 8-10% cho giai đoạn 20 năm tới. Đây là thách thức lớn của ngành năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi yêu cầu và ràng buộc ngày càng chặt chẽ và minh bạch hơn.
 
Một điều đáng nói là, luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, nhưng hiệu quả chưa cao.
 
Dẫn chứng vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, sau 5 ban hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Điều đó đòi hỏi cơ chế chính sách mạnh mẽ và phù hợp hơn nữa, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
 
“Chính sách quan trọng nhất là đưa giá năng lượng phản ánh đúng cơ chế, thị trường, tạo động lực đúng đắn thay đổi công nghệ và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
 
Hiện nay, ngành điện là ngành có nhu cầu tăng trưởng cao, với mức từ 8 - 10% nên để đáp ứng được thì phải tiếp tục đầu tư vào nguồn năng lượng truyền thống. Công suất hiện nay là 19.000 MW, kế hoạch tối đa chỉ 28.000 MW.
 
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng thừa nhận, các dự án thủy điện nhỏ và vừa không phải dự án nào cũng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, dự án nhiệt điện khí và dầu sạch hơn than nhưng giá thành cao, còn các nguồn có giá rẻ như Nam Côn Sơn đã hết. 
 
Theo tính toán giá khí đã đàm phán thì đến 2020 giá lên 9 – 10 cent, thậm chí còn cao hơn, nguồn khí của Việt Nam hạn chế không đủ nhu cầu cho phát triển năng lượng. Do đó từ năm 2021 đã phải nhập khẩu khí hóa lỏng từ cảng Thị Vải để bổ sung, với mức giá rất cao so với nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện than. 
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ, mặc dù các dự án nhiệt điện than vướng phải những quan ngại môi trường, nhưng đây là nguồn điện cần thiết phải có để đáp ứng nhu cầu phát triển. 
 
“Vấn đề là ta không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế nên phát triển nhiệt điện than thời gian tới có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, với nhà máy sử dụng công nghệ siêu giới hạn, nâng cao hiệu suất và chủ đầu tư đáp ứng giải pháp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, giải pháp sử dụng tro xỉ của nhà máy. Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng khác nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng” Thứ trưởng Vượng cho biết thêm.
 
Trước những vấn đề trên, để phát triển ngành năng lượng bền vững, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu cần có cách tiếp cận linh hoạt với cơ chế, điều chỉnh phù hợp tối ưu nhất, có các giải pháp năng lượng công nghệ với sự hợp lý về giá cả, để có cơ sở và điều kiện điều chỉnh chính sách phát triển, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc