Lao động dồi dào, chi phí rẻ: Việt Nam là điểm đến 'hot' của nhà đầu tư

14:02, 01/05/2017
|
(VnMedia) -  Theo Cục đầu tư nước ngoài, hiện Việt Nam có nhiều điểm mạnh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó có thể kể đến, lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.
 
Hiệp định thương mại tự do thúc đẩy đầu tư nước ngoài
 
Đưa ra những điểm mạnh của Việt Nam để thu hút FDI, Cục đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI, mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
 
Điều đầu tiên có thể kể đến, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương.
 
Một điểm nữa cũng được Cục đầu tư nước ngoài đưa ra là, với số dân 92 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.
 
Đặc biệt, với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), là cơ hội tốt để kết nối Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới.
 
Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh. Ảnh minh họa
Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh. Ảnh minh họa
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
 
Tính đến nay, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng  ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam).
 
Cũng tính đến cuối tháng 4/2017, cả nước có 734 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Môi trường kinh doanh Việt Nam không ngừng được cải thiện
 
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
 
“Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, điều đó sẽ tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là của các tập đoàn đa quốc gia”, Cục đầu tư nước ngoài khẳng định.
 
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, việc Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trương đầu tư, đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, Cục đầu tư nước ngoài cho biết, trong những năng gần đây, tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%. Từ năm 2013 đến nay vốn FDI đăng ký  hàng năm luôn đạt trên 20 tỷ USD, riêng năm 2016, vốn FDI đăng ký đạt gần 27 tỷ USD, tăng hơn 11% với năm 2015,vốn đầu tư thực hiện đạt 15,8% tỷ USD, tăng 10,9%  so với năm 2015.
 
Cục đầu tư nước ngoài cho biết, trong điều kiện những lợi thế trước đây dần thay đổi, để thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam cần phải  huy động sức mạnh tổng hợp để hội nhập bao gồm tất cả các thành phần kinh tế, tất cả các chủ thể, doanh nghiệp, doanh nhân, tri thức. Việc hội nhập phải đồng bộ trên các phương diện: cam kết quốc tế, chính sách kinh tế, pháp luật, bộ máy quản lý, trình độ cán bộ, hạ tầng quản lý.
 
Cùng với đó, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra (thông tin hoá); tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược là thể chế, nhân lực và hạ tầng.
 
Đặc biệt, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cũng như thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm cam kết quốc tế. Thêm vào đó, cphải thực hiện tốt công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc