Kẽ hở pháp luật cho buôn lậu lợi dụng khi bán đấu giá thuốc lá nhập lậu

06:33, 31/05/2017
|
(VnMedia) -   Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, việc đấu giá tiêu thụ nội địa thuốc lá nhập lậu bị tịch thu sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa toàn bộ thuốc lá nhập lậu thành thuốc lá hợp pháp để tiêu thụ nội địa, qua mặt các cơ quan chức năng, gây lũng đoạn thị trường. 
 
Liên quan đến việc thí điểm cho “bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng” mới đây, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương đã có trao đổi về vấn đề này. 
 
- Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc thí điểm cho “bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng” vừa được Chính phủ ban hành?
 
Trước hết, phải nói việc thực hiện thí điểm có nhiều điểm chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định hiện hành khác của pháp luật. 
 
Luật hiện nghiêm cấm các hành vi mua bán thuốc lá nhập lậu, quy định xử lý hình sự với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao trở lên, thậm chí trên 500 bao đã phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự. 
 
Như vậy, việc hợp pháp hóa thuốc lá nhập lậu đang bị tiêu hủy và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật để bán đấu giá tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất là không phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và cam kết quốc tế. 
 

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương
Thuốc lá lậu cũng không phải là tài sản đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016, nên việc thực hiện thí điểm này có sự vênh với quy định của pháp luật hiện hành. 
 
Mặt khác, việc tổ chức bán đấu giá thuốc lá nhập lậu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất mâu thuẫn ngay chính Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng hóa cấm lưu hành, cấm sử dụng khi nay lại cho bán đấu giá để tiêu thụ nội địa và tái xuất.
 
- Vậy, ông đánh giá thế nào khi có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thí điểm bán đấu giá này, sẽ gây hệ luỵ lớn hơn nhiều cho xã hội so với số tiền thu được từ việc bán đấu giá hoặc tái xuất?
 
Tôi cho rằng việc đấu giá tiêu thụ nội địa thuốc lá nhập lậu bị tịch thu sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa toàn bộ thuốc lá nhập lậu thành thuốc lá hợp pháp để tiêu thụ nội địa, qua mặt các cơ quan chức năng, gây lũng đoạn thị trường, đồng thời Nhà nước sẽ không kiểm soát được thuốc lậu. 
 
Nguy cơ nhìn thấy là thuốc lậu sẽ tăng nhanh, ngân sách nhà nước thất thu do buôn lậu thuốc lá sẽ cao hơn nhiều con số 10.000 tỷ đồng hiện nay.
 
Đối với chủ trương tái xuất, do đa phần thuốc lá nhập lậu (hiện JET và HERO đang chiếm 80-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam) không phù hợp với các nước trong khu vực, chỉ được người hút Việt Nam biết đến và thực tế chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. 
 
Hiện JET và HERO đang chiếm 80-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Hiện JET và HERO đang chiếm 80-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Hơn nữa, do không in cảnh báo sức khỏe, nơi sản xuất, hạn sử dụng và không xác nhận được chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu này sẽ không đáp ứng những điều kiện quy định để được nhập khẩu vào bất cứ quốc gia nào. Như vậy, cho tái xuất sẽ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, dẫn đến vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.
 
Do vậy, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định tiêu hủy 100% thuốc lá lậu như quy định của pháp luật hiện nay và cũng phù hợp với cam kết quốc tế, thay vì cho thí điểm đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất nhằm tránh các bất cập pháp lý và hệ lụy cho ngành, xã hội.
 
- Tại Điều 190, 191 Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định này mâu thuẫn với Luật Đầu tư. Cá nhân ông thấy thế nào?
 
Tôi đồng tình với ý kiến của một số đại biểu quốc hội và cho rằng các quy định này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau với các lý do sau. 
 
Thứ nhất, dự thảo Bộ luật Hình sự và Luật Đầu tư đều quy định về các vấn đề có liên quan tới cấm kinh doanh nhưng lại là các vấn đề khác nhau. 
 
Thứ hai, dự thảo Bộ luật Hình sự quy định về hàng cấm với nội dung khác với quy định ngành nghề cấm kinh doanh của Luật Đầu tư nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh. 
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự, trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành là Luật Thương mại, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Nghị định 19/2014/NĐ-CP đã quy định nội dung cấm thì không chỉ là cấm sản xuất kinh doanh mà còn cấm cả việc lưu hành, sử dụng, cấm cả đối với những hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng.
 
Thứ ba, trong khi quy định của Luật Đầu tư còn dẫn đến các cách hiểu khác nhau thì Luật Thương mại hiện hành khẳng định rõ “thuốc lá điếu, cigar và các dạng thuốc lá thành phẩm khác có nguồn gốc nhập lậu là mặt hàng cấm kinh doanh”. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng quy định nghiêm cấm việc mua, bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. 
 
Thứ tư, trước ngày 1/7/2015, Luật Thương mại và các nghị định của Chính phủ vẫn coi thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, việc xử lý không có vướng mắc và các quy định này đang đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi thuốc lá nhập lậu. 
 
Vấn đề này chỉ trở nên bất cập, bức xúc khi có yêu cầu tạm dừng thực hiện quy định này. 
 
Từ các lập luận nêu trên, tôi cho rằng để đấu tranh có hiệu quả với hành vi buôn lậu thuốc lá, gây tổn hại cho sức khỏe của nhân dân, thất thu lớn với ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cần tiếp tục quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. 
 
- Xin cảm ơn ông!
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc