'Công nghệ hiện đại mang lại cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế'

12:35, 20/05/2017
|

(VnMedia) Phát biểu khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công nghệ hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống, song cũng mang lại những thách thức không nhỏ về kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các nền kinh tế”.

Sáng nay (20/5), Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Công nghệ hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội mới

Được thành lập từ năm 1989, hiện nay APEC là một đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng quan trọng của Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Theo đó, APEC có tổng dân số hơn 2,8 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới. Trải qua gần ba thập kỷ, các nền kinh tế APEC đã tăng trưởng mạnh mẽ chiếm gần 60% GDP của thế giới; 49% giao dịch thương mại quốc tế với mức thuế quan trung bình đã giảm từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016; mức thu nhập, đời sống của người dân trong khu vực được nâng lên. Đó là minh chứng cho nỗ lực của cả khu vực chúng ta về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, cũng như chia sẻ sự ổn định, phát triển và cùng thịnh vượng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian gần đây, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều thay đổi cả về chính trị, kinh tế và công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kết nối mạng toàn cầu đang có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Chưa bao giờ, thế giới lại gắn kết một cách chặt chẽ như hiện nay, công nghệ hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống, song cũng mang lại những thách thức không nhỏ về kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, APEC đang hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thực sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh các chương trình đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách tại các nền kinh tế thành viên.

Các chương trình hợp tác APEC về tăng cường kết nối, gia tăng chuỗi giá trị, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ,.. đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của khu vực.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, APEC có sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế cũng như sự khác nhau về văn hóa, thể chế chính trị, chính sách phát triển… Do vậy, APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và triển khai các chương trình, dự án hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và tạo nên tính riêng biệt nổi bật của hợp tác APEC so với những tổ chức và diễn đàn khác trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, cũng mở rộng hợp tác với các khu vực khác trên thế giới để cùng kết nối, cùng phát triển.

“Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu chúng ta thiếu lòng tin, quyết tâm chính trị, hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động đầu tư, lưu chuyển hàng hóa thương mại trong khu vực…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Việt Nam đã đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác APEC

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam tham gia APEC năm 1998 và APEC có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam, 75% thương mại hàng hóa, 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC. Có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.

Với quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ về cải cách và tăng cường hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác APEC. Sau 11 năm, kể từ khi đăng cai APEC lần đầu năm 2006, năm nay Việt Nam vinh dự được chủ trì năm APEC 2017, với phương châm hợp tác với các nền kinh tế thành viên trong khu vực cùng nhau xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển, và kết nối thịnh vượng.

“Tôi tin rằng, với sự tham gia của các Bộ trưởng và đóng góp của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, (WTO) sẽ có những phiên thảo luận tích cực, thực tế và hiệu quả, tập trung rà soát quá trình triển khai chủ đề, các ưu tiên của năm APEC 2017 và thông qua sáng kiến được các nền kinh tế thành viên đưa ra, để báo cáo lên Hội nghị các Nhà Lãnh đạo cấp cao APEC tháng 11/2017 nhằm hướng con tàu APEC tới tương lai tương sáng, tốt đẹp hơn cho mọi người dân trong khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc