(VnMedia) – Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc gia nhập WTO đã tạo ra các giá trị không chỉ về mặt hình ảnh, mà còn trong bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng “Thương mại Dịch vụ Việt Nam 2016 - Vietnam Top Trade Services 2016” vừa diễn ra ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 là một bước ngoặt lớn, mốc dấu ghi nhận sự chuyển mình, hội nhập của kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc gia nhập WTO đã tạo ra các giá trị không chỉ về mặt hình ảnh, mà còn trong bản thân nội tại nền kinh tế đang khát khao chuyển biến để phù hợp với sự vận động chung của kinh tế thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa một nước đang phát triển như Việt Nam với các nước tiên tiến đã phát triển.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc gia nhập WTO đã tạo ra nhiều thách thức không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Thương mại dịch vụ nói riêng. Vì vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực Thương mại dịch vụ phải làm quen với sự hiện diện, cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực dịch vụ là điều không tránh khỏi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Sau 10 năm gia nhập WTO - một chặng đường chưa dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với các doanh nghiệp, doanh nhân Thương mại Dịch vụ, chúng ta tự hào rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, chấp nhận cuộc chơi lớn, sòng phẳng".
Bằng chứng, tỷ trọng Thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm, đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu từ Nông nghiệp sang Công nghiệp và Thương mại dịch vụ của Đảng, Nhà nước đề ra.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng biên tập Báo Công Thương, Đại diện Ban tổ chức của Giải cũng cho biết, từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO,Thương mại dịch vụ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên cả hai hướng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Quý chia sẻ, nếu như năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 48,6 tỷ USD thì đến năm 2016, con số này đã là 176,6 tỷ USD, tăng gần 3,5 lần; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2007 là 746 nghìn tỷ đồng thì con số này năm 2016 đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,7 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực Thương mại dịch vụ trong 10 năm qua luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân.
Cơ cấu Thương mại dịch vụ đóng góp trong GPD những năm qua thường xuyên ở mức từ trên 40 đến 45% năm, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ Nông nghiệp sang Công nghiệp và Thương mại dịch vụ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Thương mại dịch vụ và Công nghiệp đóng góp 85% trong GDP... mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã đề ra.
Để ghi nhận sự đóng góp, tôn vinh và động viên kịp thời các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong các lĩnh vực Thương mại dịch vụ có chất lượng dịch vụ tốt nhất mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi gia nhập WTO, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã tổ chức bình chọn và trao giải thưởng “Thương mại Dịch vụ Việt Nam” vào năm 2007, 2008,2009...
Giải thưởng đã động viên, tôn vinh kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong 11 nhóm, ngành hàng Thương mại dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, bao gồm : Dịch vụ môi trường; Dịch vụ Phân phối; Dịch vụ Tài chính; Dịch vụ xây dựng; Dịch vụ thông tin; Dịch vụ kinh doanh tổng hợp; Dịch vụ du lịch; Dịch vụ vận tải; Dịch vụ Y tế - Xã hội; Dịch vụ giáo dục và Dịch vụ Văn hóa – Giải trí.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc