(VnMedia) - Đại Học Quốc Gia Hà Nội và đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh được cho là lò đào tạo của các nhà sáng lập. Trong số 56 nhà sáng lập startup Việt, có đến 6 người đã từng theo học tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 5 người có bằng từ đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh…
iPrice vừa phối hợp với 500 Startups, quỹ đầu tư danh tiếng tại thị trường Việt Nam thực hiện nghiên cứu 27 startup và 56 nhà sáng lập để tìm hiểu về quá trình học vấn của các nhà sáng lập này. Nghiên cứu này được thực hiện với những startup đã gọi vốn thành công đến vòng Series A. Thống kê đã cho thấy nhiều điểm thú vị về trình độ học vấn của các nhà sáng lập startup Việt.
Nghiên cứu của iPrice đã chỉ ra rằng Đại Học Quốc Gia Hà Nội và đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh được cho là lò đào tạo của các nhà sáng lập. Trong số 56 nhà sáng lập startup Việt, có đến 6 người đã từng theo học tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 5 người có bằng từ đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Danh sách các trường đại học Việt Nam có nhiều nhà sáng lập theo học nhất còn có sự góp mặt của đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Hai trường đại học nước ngoài lọt vào danh sách này là Đại học Tổng Hợp Quốc Gia Moscow và Đại học California- trường đại học được cho là một trong những lò đào tạo của các startup công nghê ở Sillicon Valley. Hai trường đại học này lần lượt có 4 và 3 nhà sáng lập theo học,
Điểm đặc biệt của danh sách này là đa phần các nhà sáng lập đều theo học ở các trường đại học Top đầu của Việt Nam. Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam của Webometrics 2007: Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội lần lượt chiếm hạng nhất và hạng nhì của bảng xếp hạng. Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và đại học Ngoại Thương chiếm vị trí thứ 6 và 7 của bảng xếp hạng. Ngoài ba gương mặt được lựa chọn tại Nghiên cứu này, Đại học Ngoại thương Hà Nội còn được biết tới là "chiếc nôi" đào tạo ra nhiều startup nổi tiếng và rất thành công khác như Văn Đinh Hồng Vũ với công nghệ công nghệ nhận dạng giọng nói Elsa; hay Đinh Hùng với DesignBold; Trần Sỹ Sơn với PSY Travel...
Trái với quan niệm thông thường cho rằng các nhà sáng lập cần phải có kiến thức về công nghệ. Nghiên cứu đã chỉ ra không nhất thiết phải học CNTT mới có thể trở thành nhà sáng lập
Nghiên cứu đã cho thấy có tới 61% các nhà sáng lập không có bằng CNTT. Trong đó khối ngành Kinh doanh được không ít nhà sáng lập lựa chọn khi học đại học. Đặc biệt, Quản Trị Kinh doanh, Tài chính, Kinh tế là 3 ngành học được ưa chuộng nhất của các nhà sáng lập. Appota, Foody, Momo, Sendo, Topica, Vật giá, Vexere, Huy động, Thế giới di động, Toong là những startup có nhà sáng lập từng theo học khối ngành Kinh doanh.
Bằng cấp tại Việt Nam hay bằng nước ngoài ?
Nghiên cứu cho thấy 23 nhà sáng lập chỉ có bằng tại trường đại học Việt Nam. 33 nhà sáng lập có bằng nước ngoài. Một điểm thú vị là đa phần các nhà sáng lập đều lấy bằng Kinh tế ở đại học nước ngoài. Trong khi đó, ở khối ngành Công nghệ, đa phần các nhà sáng lập theo học tại các trường kĩ thuật nổi tiếng của Việt Nam như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh, đại học Quốc Gia Hà Nội (chuyên ngành CNTT).
Trong số các quốc gia có nhiều nhà sáng lập theo học nhất, Mỹ vẫn là địa chỉ hàng đầu, chiếm con số áp đảo so với các quốc gia khác với 14 nhà sáng lập. Úc và Châu Âu đứng vị trí thứ hai của danh sách với 6 sáng lập theo học. Điều này cho thấy các trường đại học Âu Mỹ vẫn được cho là điểm đến du học hàng đầu của các nhà sáng lập thay vì các trường đại học tại Châu Á.
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vốn được cho là cái nôi của các startup công nghệ và đội ngũ lập trình viên Việt Nam cũng được đánh giá là có trình độ ngang ngửa với Singapore. Tuy nhiên, có rất ít startup Việt có thể gây quỹ thành công đến vòng Series A vì không có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngoại. Có thể nói sự kết hợp giữa kĩ năng kinh doanh ở nước ngoài và trình độ kĩ thuật của Việt Nam, các nhà sáng lập có thể làm nên một công ty khởi nghiệp thành công.
Phạm Lê
Ý kiến bạn đọc