(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Viễn thông và công nghệ thông tin đã đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, đã cho chúng ta những phương tiện hữu hiệu để phát triển kinh tế, xã hội, đem lại cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn với đầy đủ phương tiện thông tin.
>> ITU: Viễn thông và ICT - động lực của sáng tạo
Sáng nay, 18/5/2015, lễ mít-tinh kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU cũng là ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới với chủ đề: “Việt Nam - ITU: Phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông” đã được long trọng tổ chức tại Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội.
Tới dự Lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông; cùng các đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, các đại biểu đến từ các Sở Thông tin và Truyền thông, từ các doanh nghiệp; Các cán bộ đã có nhiều đóng góp trong quá trình Việt Nam tham gia tổ chức ITU.
|
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định: Viễn thông và công nghệ thông tin (VT và CNTT) đã đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, đã cho chúng ta những phương tiện hữu hiệu để phát triển kinh tế, xã hội, đem lại cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn với đầy đủ phương tiện thông tin. Chính vì vậy, Liên hợp quốc và đặc biệt là Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) - một Tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc (LHQ) về VT và CNTT - kỷ niệm Ngày Viễn thông và Ngày xã hội thông tin thế giới (17/5) năm 2015, nhân dịp ITU tròn 150 tuổi với chủ đề “Viễn thông và Công nghệ thông tin - động lực của đổi mới”.
“Thay mặt Chính phủ Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi nhiệt liệt chúc mừng Ngày Viễn thông và Ngày xã hội thông tin thế giới (17/5), chúc mừng 150 năm Ngày thành lập Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và chúc cho VT và CNTTluôn luôn là động lục của đổi mới và phát triển về mọi mặt: khoa học kỹ thuật, kinh tế và xã hội, phục vụ cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, “việc LHQ chọn chủ đề kỷ niệm Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (17/5), đồng thời kỷ niệm 150 năm Ngày thành lập ITU không phải là một sự ngẫu nhiên, mà có chủ đích nhằm đánh giá những thành tựu do VT và CNTT đem lại cho đời sống con người trong thời gian qua.
Không ai phủ nhận điều đó. Chúng ta đều biết rằng VT và CNTT là hạ tầng cơ sở của thông tin và truyền thông, tạo mối quan hệ giữa con người với cong người trên toàn thế giới và tạo ra môi trường và cơ hội để phát triển kinh tế. Thật vậy, VT và CNTT vừa là những ngành kinh tế - kỹ thuật ngày càng có đóng góp lớn cho nền kinh tế, đồng thời vừa là hạ tầng quan trọng thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, y tế, giáo dục và môi trường. VT và CNTT là công cụ để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, của mỗi cá nhân và của cả nền kinh tế. VT và CNTT còn là một trong những nền tảng hết sức quan trọng và là môi trường phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia.
Nhìn theo góc độ vĩ mô, nền kinh tế xã hội phát triển dần theo sự phát triển khoa học công nghệ, trong đó vai trò quan trọng của VT và CNTT ngày càng được khẳng định. VT và CNTT phát triển, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa, giao lưu phát triển thương mại, nghiên cứu phát triển nguồn lực thêm sức mạnh mới, tiến tới hiện đại hóa đất nước và con người. Lịch sử phát triển loài người từ mấy ngàn năm trở lại đây đã minh chứng điều đó: càng tiến gần đến hiện tại, kinh tế càng phát triển nhờ động lực của VT và CNTT, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây”.
Đối với các công ty, doanh nghiệp, sự phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thành công có thể làm tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh doanhs. Công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện đổi mới qui trình sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động trong khi tiết kiệm tài nguyên khan hiếm, để sử dụng cho các mục đíchngày càng tốt hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi điện toán đám mây đã nổi lên như một trong những nền tảng chính cho các dịch vụ VT và CNTT, làm giảm đáng kể sự trở ngại về ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, qua đó cho phép doanh nghiệp có điều kiện mở rộng và sáng tạo các mô hình kinh doanh nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đối với Việt Nam, nhận thấy vai trò của VT và CNTT, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36/BCT, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Chính phủ đưa ra các Chương trình hành động với mục tiêu tổng quát là CNTT được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức về vị trí, vai trò của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của từng ngành, từng lĩnh vực, trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và chất lượng cuộc sống.
Là một Thành viên của LHQ và của ITU, Việt Nam đã và đang từng bước đóng góp xây dựng mạng xã hội thông tin toàn cầu bằng hạ tầng băng thông rộng, tạo thuận lợi về truy cập Internet rộng rãi trên toàn quốc, nối mạng các trường học, các bệnh viện và trung tâm y tế để tạo thuận lợi trong việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chăm sóc y tế và kinh doanh buôn bán.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên chức cùng chung sức triển khai Nghị quyết 36/BCT cũng như chương trình của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn.
Tại lễ kỷ niệm, ông Phan Thảo Nguyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có bài phát biểu tổng kết và nhìn lại 150 năm hình thành và phát triển của Liên minh viễn thông quốc tế ITU và quá trình tham gia của Việt Nam kể từ khi gia nhập là quốc gia thành viên của ITU.
Với mục tiêu kết nối các nước trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU là một tổ chức Liên minh chính phủ và phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1865. Tính đến nay, ITU đã có tới 193 Quốc gia thành viên chính thức và hơn 700 thành viên Lĩnh vực, gồm các doanh nghiệp, học viện và tổ chức xã hội.
ITU hoạt động với mục tiêu giữ vững và tăng cường quan hệ quốc tế nhằm hoàn thiện và sử dụng hạ tầng và dịch vụ viễn thông một cách có hiệu quả nhất, phân bổ và quản lý tần số cũng như các vị trí quỹ đạo vệ tinh, xây dựng tiêu chuẩn viễn thông thế giới, khuyến khích và trợ giúp kỹ thuật cũng như các nguồn tài chính cho các nước đang phát triển.
Ngay sau khi thống nhất đất nước, năm 1975, Chính phủ Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất tham gia vào Liên minh Viễn thông quốc tế. Được Chính phủ ủy quyền, ngành Viễn thông (Tổng cục Bưu điện trước đây) đẫtích cực tham gia để xây dựng quan hệ, khai thác nghiệp vụ thông qua những Hiệp ước/Quy định đa phương về tiêu chuẩn viễn thông, và định mức thanh toán quốc tế, băng tần sử dụng cho việc cung cấp và khai thác các dịch vụ viễn thông.
Trong 40 năm qua, trên cơ sở kinh tế và kinh nghiệm, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động ITU. Sự tham gia của Việt Nam từ chỗ chỉ để học tập và nắm bắt vấn đề, nay đẫ chủ động tham gia đặt vấn đề, thảo luận để xây dựng luật chơi của quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam ngày nay đã có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn của ITU, ngày càng có nhiều chuyên gia có trình độ chủ tọa và điều phối viên nhiều nội dung thảo luận và đảm nhận các vị trí điều hành trong ITU.
|
Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo lớn của ITU được các nước đánh giá cao. Mới đây, năm 2014, Việt Nam đã tham gia PP-14 và lần đầu tiên, với vai trò của Việt Nam trên thế giới và nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng viên Việt Nam đã vượt qua 3 ứng viên tên tuổi khác là Iran, Ấn Độ và Indonesia để trở thành thành viên của Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến nhiệm kỳ 2015-2019. Ủy ban này gồm 12 thành viên được Hội nghị toàn quyền của ITU bầu bằng bỏ phiếu kín, có thẩm quyền cao nhất trong việc thông qua các quy trình thực thi thể lệ vô tuyến thế giới và giải quyết các tranh chấp giữa các nước về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Cũng trong Lễ kỷ niệm, chương trình tọa đàm với chủ đề “Việt Nam - ITU: Phát triển Công nghệ TTTT” đã được tổ chức với sự tham gia của các khách mời: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, thành viên Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến điện ITU. Các khách mời tham gia phiên tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin sâu hơn về vai trò của viễn thông và công nghệ thông tin cho các nước đang phát triển như Việt Nam; và điểm lại vai trò của ITU đối với sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc