Giao diện gợi nhớ tới Windows của BeOS.
Năm 1997, 12 năm sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs trở lại công ty do chính mình sáng lập ra. Dưới triều đại thứ hai của Steve Jobs, Apple lần lượt cho ra mắt 3 sản phẩm đóng vai trò thay đổi cục diện của thế giới số (iPod, iPhone và iPad) rồi vững bước trở thành công ty cổ phần có trị giá lớn nhất trên toàn cầu.
Nhưng điều đó suýt nữa đã không diễn ra. Apple của năm 1997 đã từng suýt lựa chọn một công ty khác để thâu tóm thay cho NeXT của Steve Jobs. Đó là một công ty cũng được thành lập bởi các cựu nhân viên của Apple: Be Inc – một công ty đã từng chế tạo ra một hệ điều hành "hot" không kém gì iOS và Android sau này: BeOS.
Be được thành lập vào năm 1990 bởi Jean Louis Gassee, cựu giám đốc của Apple và Steve Sakoman, cựu giám đốc kỹ thuật phần cứng của "Quả táo cắn dở", một người đã từng góp phần chế tạo ra chiếc máy tính bỏ túi đầu tiên của Apple (chiếc PDA Apple Newton).
Ban đầu, Be bán một sản phẩm phần cứng có tên BeBox. Nhưng thứ mà Apple thực sự thèm muốn vào lúc đó là hệ điều hành BeOS. Vào thập niên 90, BeOS được coi là một hệ điều hành "nhanh và hiệu quả đến kinh ngạc". Hệ điều hành này chỉ mất 10 giây để khởi động, hỗ trợ 2 vi xử lý song song và thậm chí còn có thể… chơi nhiều video cùng lúc. Nếu bạn chưa cảm thấy ấn tượng, hãy nhớ rằng Windows 95/98 sẽ phải mất ít nhất 2 – 3 phút để khởi động, và rằng máy tính thời đó không thể vừa phát video vừa làm một tác vụ hiệu quả nào khác.
BeOS nhanh chóng thu hút được giới công nghệ lên tiếng tán thưởng không kém gì những sản phẩm huyền thoại khác, ví dụ như chiếc máy Amiga của Commodore hay máy chơi game cầm tay Gameboy chẳng hạn. Trong cuốn sách Khởi đầu là dòng lệnh (In the Beginning Was the Command Line), tác giả Neal Stephenson gọi BeOS là "chiếc Batmobile của các hệ điều hành". Nhưng khi Apple đi tìm một hệ điều hành mới để thay thế cho Mac OS bản gốc, BeOS vẫn còn chưa được hoàn thiện, và các tác giả của hệ điều hành này đã thông báo mức giá quá cao với Apple. Lựa chọn của Apple lúc đó là mua lại NeXT để phát triển ra Mac OS X sau này.
Số phận cuối cùng của Be
Khả năng đa nhiệm ấn tượng của BeOS vào thập niên 90
Không được đỡ đầu bởi một ông lớn nào, Be không thể xây dựng cho mình một thị phần vững chắc, ngay cả khi đã tách riêng BeOS thành một sản phẩm độc lập (không đòi hỏi bán cùng phần cứng). Vào năm 2002, Be đệ đơn kiện Microsoft về các hành vi chống độc quyền và sau đó được hòa giải với khoản tiền 23,3 triệu USD. Lúc này, mọi thứ đã là quá muộn với Be, bởi công ty này đã bị Palm thâu tóm.
BeOS được dùng để xây dựng nền tảng cho PalmOS 6, một hệ điều hành yểu mệnh. Bộ phận nắm quyền sở hữu PalmOS và BeOS là Palm Source sau đó được bán cho một công ty phần mềm có trụ sở tại Nhật Bản.
Điều đáng ngạc nhiên là cho đến giờ BeOS vẫn tiếp tục tồn tại. Công ty đến từ nước Đức yellowTAB tiếp tục bán bản thương mại của BeOS trong vòng nhiều năm, trước khi các phiên bản clone (sao chép) mã nguồn mở của hệ điều hành này xuất hiện. Trong số này, Haiku là phiên bản đáng chú ý hơn cả nhờ khả năng tương thích hoàn toàn với BeOS.
Cho đến ngày hôm nay, những người đã từng góp phần tạo nên BeOS vẫn tiếp tục tạo ra sức ảnh hưởng to lớn tới thế giới công nghệ. Nhiều nhân viên cũ của Be đã tham gia sáng lập Danger, một công ty sau này được Microsoft mua lại. Rất tiếc, số phận của Danger cũng không mấy tươi sáng, khi chiếc PDA Kin mà công ty này chế tạo cho Microsoft gặp thất bại thảm hại.
Nhưng khi nhà sáng lập Andy Rubin của Danger rời công ty này để thành lập Android, nhiều kỹ sư khác, những người đã từng phát triển BeOS, đã cùng ông ra đi để góp phần tạo nên hệ điều hành di động sau này đã vươn lên đứng số 1 thế giới. Nhiều người trong số này vẫn còn tiếp tục phát triển Android. Dominic Giampaolo, tác giả của hệ quản trị file Be File System lại được Apple tuyển mộ từ năm 2002. Giampaolo sau này đã góp công lớn vào quá trình phát triển các hệ quản trị file cho Táo và cũng là một trong các tác giả của tính năng tìm kiếm toàn cục Spotlight trên iOS và Mac OS X. Nhà sáng lập Steve Sakoman của BeOS trở lại Apple trong vòng 2 năm trước khi trở thành một cố vấn độc lập. Jean Louis Gassee sau khi rời vị trí tại Be và Palm sau này trở thành một diễn giả và một nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon.
Jean Louis Gassee, nhà sáng lập của Be Inc
Trong những cuộc phỏng vấn sau này, Gassee khẳng định ông rất mừng vì Apple đã mua lại NeXT để đưa Steve Jobs trở lại. Tuy vậy, nếu như vào thời kỳ đó các nhà lãnh đạo của Be chịu chấp nhận bán BeOS với một mức giá thấp hơn, ai dám chắc rằng Steve Jobs rồi sẽ có cơ hội tạo ra một chiếc iPod, iPhone hay iPad để thay đổi cả thế giới số như hiện nay?
Vnreview
Ý kiến bạn đọc