Tiếng người gọi nhau í ới, ánh đèn pin lập lòe khắp cánh đồng. Giữa đêm tối như bưng, hàng trăm con người lội bì bõm dưới những thửa ruộng nước đã ngập đến bẹn để đi vớt lộc trời: mùa rươi.
“Muốn coi rươi mọc thì 1 giờ sáng có mặt nhé! Đêm nay khả năng rươi lên nhiều”, một người dân ở xã Hưng Nhân (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) hẹn tôi.
Đến hẹn lại lên
0 giờ 30 ngày đầu tiên của tháng mười âm lịch. Trời tối như bưng, gió heo heo lạnh. Khi tôi đến, trên con đường dẫn ra cánh đồng nằm ven sông Lam ở xã Hưng Nhân, người đi vớt rươi đã bắt đầu đông như đi hội. Từ trong các ngõ xóm, người dân hối hả chở theo lưới, vợt, xô chậu chạy xe ra đồng vớt rươi.
Cánh đồng rộng chừng 30 ha nằm ven sông Lam, nơi nước lợ theo thủy triều dâng lên ngập sâu những ruộng lúa đã thu hoạch, chỉ còn trơ lại bùn đất là nơi rươi đến hẹn lại lên. Người dân ở đây may mắn sở hữu được những thửa ruộng quý này vì đây là một trong những nơi rất ít ỏi ở nước ta, ruộng có rươi.
Ngay cả các xã lân cận, dù được sở hữu một số ruộng rươi nhưng cũng phải phát thèm vì số lượng rươi không nhiều bằng.
Rươi là loài động vật họ giun có nhiều tơ. Mỗi năm rươi từ trong lòng đất chỉ chui lên trong khoảng thời gian từ tháng chín đến tháng mười một âm lịch, mỗi tháng rươi chỉ “mọc” lên 2 đợt đầu và giữa tháng, mỗi đợt chỉ vài ba ngày. Người dân gọi rươi là “lộc” của trời vì từ trong bùn đất, nó bất ngờ chui ra và mang về cho chủ ruộng hàng chục triệu đồng mỗi mùa.
Lội bì bõm dưới ruộng khi thủy triều vừa lên đến đầu gối, mất chừng nửa tiếng đồng hồ, ông Võ Văn Khanh mới giăng xong lưới bủa quanh khu ruộng gần 1 sào của gia đình. Xong lưới, ông Khanh lên bờ ngồi đợi. Sát bên thửa ruộng nhà ông Khanh, những người hàng xóm của ông cũng đang bì bõm giăng lưới, be bờ để chờ thành quả đêm nay. Trên đồng, ánh đèn pin như sao sa.
“Chừng nào thì rươi lên hả bác?”, tôi hỏi. Ông Khanh rọi đèn pin xuống vạt ruộng, nhìn con nước rồi đáp: “Nước này phải đợi một vài tiếng nữa”.
(Theo Thanh niên)
Ý kiến bạn đọc