(VnMedia)- Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trên trường quốc tế thông qua nền văn hóa giàu bản sắc được gìn giữ bao đời. Và một trong những giá trị tốt đẹp nhất chính là nền ẩm thực phong phú. Để góp phần tôn vinh và phát triển hơn nữa tinh hoa ẩm thực Việt, ngày 11/10/2017 tại Dinh Độc Lập (TP.HCM) đã chính thức tổ chức Đại hội và lễ ra mắt Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Đưa Việt Nam trở thành “Bếp ăn của thế giới”
Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc nâng cao lợi thế cạnh tranh của một quốc gia là đề tài được nhiều người quan tâm. Do đó, phải tìm ra điểm khác biệt, độc đáo để trở thành biểu tượng độc đáo khai thác và phát triển. Trong dòng chảy văn hóa – lịch sử của Việt Nam, tinh hoa đặc sắc, mang giá trị cốt lõi nhất chính là ẩm thực.
Cách đây hàng chục năm, khi đến tới Việt Nam, Philip Kotler - cha đẻ học lý tiếp thị hiện đại đã khuyến khích: “Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới”. Quả thực, người Việt Nam có thể tự hào với thế giới về phở, bún chả, chả giò, gỏi cuốn, bún bò Huế, bánh mì kẹp thịt, bánh xèo… được các tạp chí du lịch uy tín vinh danh. Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới.
Ẩm thực chuyên chở giá trị của quá khứ - hiện tại - tương lai và pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ngay cả những món ăn nước ngoài khi du nhập sẽ biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt. Điều làm nên nét khác biệt chính sự cân bằng âm – dương, chua – cay – mặn – ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên lại cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng địa phương.
Các món ăn gần gũi với thiên nhiên, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng cũng rất thanh tao, phù hợp với xu thế hiện tại của thế giới đó là hạn chế chất béo, đáp ứng hầu hết yêu cầu về ẩm thực hiện đại. Cách chế biến rất đa dạng khi từ những nguyên liệu bình thường có thể phù phép thành những món ăn đặc sắc. Văn hóa ăn uống tinh tế là cái hồn tạo nên nét hấp dẫn đối với thực khách. Chính vì thế, Việt Nam xứng đáng với vai trò là “Bếp ăn của thế giới” – nơi du khách có thể trải nghiệm một nền văn hóa ẩm thực giàu bản sắc, phong phú, vừa ngon vừa lành…
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam & mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia
Sau những sự kiện các chính khách, đầu bếp nổi tiếng thế giới “phải lòng” bún chả, phở…, ẩm thực Việt Nam đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông toàn cầu. Tuy nhiên, “cơn sốt” nào cũng phải hạ nhiệt và dần trôi vào lãng quên nếu không có một chiến dịch dài hơi, chương trình quảng bá chuyên nghiệp tiếp theo đó. Vì thế, sự ra đời của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chính là “cơ hội vàng” để ẩm thực chính thức bước lên một tầm cao mới: trở thành thương hiệu quốc gia.
Sau 3 năm vận động, Hiệp hội đã được cấp phép thành lập và có trên 300 hội viên. Ngày 11/10/2017, tại Dinh Độc Lập (TP.HCM) Hiệp hội đã chính thức tổ chức Đại hội và lễ ra mắt. Mục tiêu của hiệp hội là khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực. Hiệp hội xây dựng một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú thông qua nhiều sự kiện, chương trình hành động thiết thực như mở trường đào tạo, tổ chức các cuộc thi, chương trình quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước… để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.
Việt Nam là nước nông nghiệp, đứng đầu thế giới về các mặt hàng nông sản nên ngoài việc phát triển văn hóa ẩm thực, Hiệp hội còn xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Việc này vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, gia tăng giá trị xuất khẩu, vừa giúp người tiêu dùng an tâm với thực phẩm trên bàn ăn. Và ở một góc độ khác, khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành.
Nhật Lâm
Ý kiến bạn đọc