Quy hoạch du lịch từng địa phương chưa thống nhất

17:06, 17/05/2017
|

(VnMedia)- Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 hôm nay, 17/5, ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist đã có kiến nghị với Thủ tướng về một số vấn đề liên quan đến du lịch, trong đó có nhấn mạnh về vấn đề quy hoạch du lịch nói chung.

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo ông Trần Hồng Việt, trong thời gian qua, điều đáng mừng là các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực du lịch và hiện nay các cơ sở rất tốt.

Hiện nay ở Đà Nẵng, Phú Quốc và tất cả các cơ sở 4 sao, 3 sao, có nhiều cơ sở đã đầu tư rất lớn. "Vì vậy việc miễn thị thực visa, chúng tôi nghĩ rằng cần thiết, thiết thực. Nếu chúng ta chỉ có 3 năm thì nên kéo dài 5 năm. Thứ hai là chương trình cấp thị thực visa điện tử được 40 nước, chúng ta nên phát triển thêm. Riêng về website của chúng ta, website e-visa có xuất, nhập cảnh, có thêm gov.vn thì người nước ngoài không biết để vào. Những cái này chúng ta cần biết để sớm giải quyết", ông Việt nói.

Vấn đề tiếp theo ông Trần Hồng Việt kiến nghị với Thủ tướng là thuế đất, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, "chúng tôi thấy rằng quy hoạch du lịch vùng, quy hoạch phát triển của từng địa phương hiện nay chưa thống nhất. Quy hoạch tại từng địa phương chưa đầy đủ, không đồng bộ nên phát triển không bền vững. Quá trình phát triển như vậy doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn", ông Việt nói.

Vừa qua phát triển du lịch rất mạnh các cơ sở vật chất nhưng còn vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ như Phú Quốc hiện nay có hàng nghìn phòng, trong vòng 1 năm. Hiện nay Phú Quốc, Đà Nẵng hay nhiều nơi, việc đào tạo nguồn nhân lực hết sức quan trọng. Các cơ sở du lịch có trước nhưng sau đó những cơ sở mới lại nhận lao động của các cơ sở khác. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết, đề nghị các bộ, các ngành, các cấp quan tâm, quy hoạch vùng và quy hoạch nhân lực.

Vấn đề nữa chúng tôi cũng xin kiến nghị về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Hiện nay, Bộ VHTT&DL mỗi năm được cấp ngân sách 2 triệu USD, trong khi đó Thái Lan 80 triệu, Malaysia 61 triệu. Đề nghị quỹ này các doanh nghiệp cần đóng góp thêm, như vậy Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng phát triển du lịch. Hiện nay việc quảng bá du lịch có nhiều hạn chế vì nguồn ngân sách. Cuối cùng, trong quá trình đóng góp cho phát triển du lịch, thấy rằng cũng nên có các chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ví dụ như Tổng công ty du lịch Sài Gòn đầu tư vào Bản Giốc, phát triển rất tốt. Do đó cần có chính sách hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại vùng sâu, vùng xa.

Lam Nguyên (ghi)


Ý kiến bạn đọc