(VnMedia)- Theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong cả nước, lượng khách và doanh thu trong Quý I đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Các địa phương đảm bảo môi trường du lịch, không để xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch...
Theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong cả nước, lượng khách và doanh thu trong Quý I đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Lượng khách du lịch đễn Việt Nam bằng tàu biển trong ba tháng đầu năm cũng tăng so với cùng kỳ năm 2016 với hàng trăm ngàn khách tham quan những địa danh du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Nha Trang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…Trong 3 tháng đầu năm 2017, riêng Đà Nẵng đón 42 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa, tổng lượng khách ước đạt 50.000 lượt khách, tăng 25,94% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức sôi nổi tại các địa phương đã thu hút được sự tham gia rất đông đảo và nhiệt tình của du khách trong và ngoài nước như Lễ hội chùa Hương, Đền Gióng tại Hà Nội; Lễ hội Yên Tử tại Quảng Ninh; Lễ hội Đền Trần tại Nam Định và Thái Bình; Lễ hội Côn sơn-Kiếp Bạc tại Hải Dương…Bên cạnh lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm, các địa phương còn tổ chức những sự kiện du lịch mang tính vùng miền, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao như Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội hoa Anh Đào-Mai Vàng Yên Tử, Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An 2017, Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Tuần lễ du lịch Đồng Tháp; Tuần Văn hóa - Du lịch Lạng Sơn …
Các địa phương đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và các điểm tham quan du lịch. Nổi bật có thể kể đến việc Tập đoàn Vingroup phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam khởi công Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An; Công ty cổ phần Intimex, thành viên của Tập đoàn BRG động thổ dự án khách sạn 6 sao Four Seasons Hà Nội tại Hà Nội; Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đưa vào khai thác Tổ hợp khách sạn 5 sao và Trung tâm thương mại tại thành phố Bắc Ninh, khách sạn 5 sao đầu tiên tại thành phố Buôn Ma Thuột và khách sạn Mường Thanh Luxury Phú Thọ; Công ty Perez Saavedra Hermanos Overseas (PSH) đầu tư 1.060 tỉ đồng vào tổ hợp khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu thương mại, khu trưng bày và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Thừa Thiên-Huế…
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục được tăng cường, thường xuyên cập nhật, giới thiệu trên website của đơn vị cũng như nhiều báo, đài quốc tế, Trung ương và địa phương, tiêu biểu như: Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Ninh Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lào Cai, Bình Thuận, Kiên Giang,Vĩnh Phúc, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau ...Đặc biệt Hà Nội đã chi tới 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh trên kênh truyền hình CNN.
Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, một số địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, đưa các tour, tuyến du lịch mới vào khai thác, mở rộng không gian du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh….
Tiếp tục các hoạt động liên kết nhằm tạo sự hợp tác phát triển du lịch, trong 3 tháng qua một số địa phương đã tổ chức họp và ký thỏa thuận liên kết cho giai đoạn mới như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, các Hiệp hội du lịch 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch năm 2017, tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong chương trình Năm du lịch quốc gia Tây Bắc - Lào Cai 2017; Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ ký kết hợp tác, phát triển về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Lâm Đồng - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020…
Các Sở chủ quản thường xuyên phối hợp với các địa phương đảm bảo môi trường du lịch, không để xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch; phối hợp theo dõi, kiểm tra tình trạng xử lý ăn xin, bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường... Bên cạnh đó, các Sở đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị lữ hành, lưu trú, khu, điểm du lịch chú ý tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn cho du khách, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh phục vụ khách du lịch.
Trong ba tháng đầu năm, đáng chú ý nhất là việc Quảng Ninh xử phạt vi phạm hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành.Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, đây là trường hợp thứ 4 công ty lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái vi phạm bị tước giấy phép kinh doanh 12 tháng. Động thái này nằm trong chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch của tỉnh Quảng Ninh, trong đó tập trung việc chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ lữ hành đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Trước đó, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch, UBND thành phố Móng Cái thông báo tạm thời thu hồi Quyết định công nhận 8 điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch của một số tổ chức, doanh nghiệp bán hàng phục vụ khách du lịch Trung Quốc từ ngày 04/4/2017.
Trúc Dân
Ý kiến bạn đọc