(VnMedia)- Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa ban hành Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 vào cuối Quý I năm 2017. Theo đánh giá của các chuyên gia WEF, du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.
Theo Báo cáo, các yếu tố nổi trội tạo nên năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bao gồm tài nguyên tự nhiên (hạng 34), tài nguyên văn hóa (hạng 30) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35). Việt Nam có tiến bộ đáng kể đối với chỉ số nhân lực và thị trường lao động (hạng 37, tăng 18 bậc so với năm 2015).
Việt Nam cũng thể hiện sự cải thiện mạnh mẽ đối với năng lực và mức độ sử dụng công nghệ thông tin (hạng 80, tăng 17 bậc so với năm 2015). Đồng thời, sự phát triển liên tục của nền kinh tế khiến du lịch công vụ ngày càng phát triển (tăng 3 bậc). Mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam được xếp hạng 57 góp phần làm cho điểm đến du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch, trong thời gian tới Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa các chỉ số đang được đánh giá ở gần cuối bảng xếp hạng, như: Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129); Các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115); Mức độ chất thải (hạng 128); Nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107).
Đồng thời, Việt Nam vẫn còn bị đánh giá thấp về mức độ cạnh tranh du lịch đối với các chỉ số như: Mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116); Chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113); Chi tiêu chính phủ cho ngành Du lịch (hạng 114); Mức độ toàn diện của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).
Lam Nguyên
Ý kiến bạn đọc