(VnMedia)- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2227/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đáng lưu ý là việc tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia.
Quy hoạch nêu rõ yêu cầu tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh). Quy hoạch còn đề cập nhiệm vụ phát triển TP Cần Thơ và đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng.
Ảnh minh họa từ internet. |
Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 vùng đồng bằng sông Cửu Long đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 111.000 tỷ đồng. Đến năm 2020 có khoảng 53.000 buồng khách sạn (trong đó, tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao chiếm 15%); đến năm 2030 có khoảng 100.000 buồng khách sạn (trong đó, tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao chiếm khoảng 30%). Đến năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 230.000 lao động; đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 450.000 lao động.
Về phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, Quy hoạch nêu định hướng ưu tiên phát triển sản phẩm đặc thù, bao gồm du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm nghỉ dưỡng biển, đảo và vui chơi giải trí.
Lam Nguyên
Ý kiến bạn đọc