Hàng ngày có hàng trăm người đến ngôi đền này để giãi bày nỗi lòng. Người ta cho rằng chỉ những ai thật sự thành tâm thì mới có thể nghe thấy tiếng đáp trả của bức tường đá trăm tuổi.
Đền thờ Mariamman nằm trên đường Trương Định (quận 1). |
Ban đầu ngôi đền chỉ được lập tạm, lợp mái tôn dành cho những người theo đạo Hindu thờ cúng. Tới năm 1950 – 1952, toàn bộ ngôi đền được xây dựng lại với kiến trúc mà ta có thể thấy như ngày hôm nay, do những người Tamil có chân trong hội Ấn kiều làm ăn sinh sống tại khu vực quận 1 thực hiện mô phỏng theo kiến trúc đền Hindu miền Nam Ấn Độ.
Với số dân chỉ đứng thứ hai sau người Hoa, người Ấn Độ đến định cư ở Sài Gòn từ những năm 40 của thế kỷ 19. |
Những ngôi đến Ấn giáo vẫn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch khi đến Sài Gòn. |
Sau 1975, đại đa số người Ấn ở Sài Gòn đã trở về quê hương, tuy nhiên những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của họ vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành một trong những điểm nhấn đặc sắc cho Sài Gòn.
Trong đền thờ vị nữ thần Mariamman là nữ thần của y học an sinh xã hội, mùa màng, hôn nhân gia đình và trẻ thơ ở miền Nam Ấn Độ (vùng nông thôn bang Tamil). Người ta thường tìm đến Bà để cầu nguyện về sức khỏe và gia đình.
Những bức phù điêu khắc họa những hình tượng 18 vị thần được trang trí trong đền. |
Úp mặt vào tường để "trò chuyện với tượng đá"
Điều đặc biệt khi cầu nguyện trong ngôi đền này là sau khi dâng lễ tại chính điện, người dân thường đến bức tường đá phía sau để "trò chuyện với tường đá". Theo đó, bất cứ ai có những nỗi niềm gì, đặc biệt là về bệnh tật, con cái hay điều lo lắng đều có thể gục đầu vào tâm sự với tường đá và nhận được những âm thanh của sự an lạc, thanh thản cho bản thân mình.
Người dân đến úp mặt vào tường đá để cầu nguyện. |
Anh Hiếu (một người bán hàng ngay trước cổng chùa) cho biết: "Hằng ngày có hàng trăm người đến đền để dâng lễ rồi tìm đến nói chuyện cùng bức tường. Có người cho rằng họ nghe được những âm thanh phản hồi từ phía bức tường, nhưng có người cúi đầu và nói chuyện với bức tường cả ngày mà không nghe được bất cứ âm thanh nào".
Trước khi "trò chuyện" người ta dùng bàn tay đập nhiều lần vào mặt tường tựa như việc đánh thức bức tường. |
Theo những người trong chùa, chỉ những ai thật sự thành tâm, có lòng hướng thiện và đang vấn vương những nỗi bất an trong cuộc sống thì bức tường mới thấu hiểu và phản hồi lại.
Trao đổi với ông Vương Liêm (Trưởng Ban quản lý đền), ông cho biết: "Cầu nguyện với tường đá là cách thức cầu nguyện tồn tại từ khá lâu đời ở ngôi đền này. Khi người dân đến cầu nguyện họ mong muốn những lời thỉnh cầu của mình đến được với thần linh".
Tuy nhiên tượng Bà được đặt sâu trong những bức tường đá, nên người dân nghĩ ra việc úp mặt vào tường nói thầm, và mong rằng những lời nói của mình sẽ đến tai của thần linh. Người sau học người trước, lâu dần việc này trở thành một thói quen.
Ông Vương Liêm là người dành nhiều thời gian để bảo tồn ngôi đền. |
"Theo những gì tôi biết thì những phiến đá này được mang về từ những vùng núi cao ở phía Nam Ấn nên rất linh thiêng, huyền bí. Chúng được những người Ấn gốc Tamil cất công đưa về để dựng đền" - ông Liêm chia sẻ.
Những phiến đá được đưa từ Ấn Độ sang để dựng đền. |
Chị Bùi Ngọc Thảo (33 tuổi, quận 3) cho biết những lúc gặp những trắc trở trong cuộc sống chị thường tìm đến đây để giãi bày: "Với riêng tôi, khi trò chuyện với bức tường này tôi cảm thấy tâm hồn mình thanh thản rất nhiều. Tuy không nghe được tiếng nói của thần linh như lời đồn, nhưng có cảm giác tim mình nghe được những âm thanh rất nhỏ nhưng lại rất du dương".
Người ta luôn tìm thấy sự thanh thản khi "trò chuyện" cùng bức tường. |
Theo Trí thức trẻ
Ý kiến bạn đọc