Thử một đêm "bồng bềnh" trên núi Cấm

06:48, 04/09/2016
|

(VnMedia) - Bạn đã từng đặt chân lên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn- An Giang)? Nếu chưa, bạn hãy thử một lần, tận hưởng trọn vẹn một đêm với bồng bềnh mây gió, với sự tĩnh lặng như cõi bồng lai trên đỉnh núi này nhé!

Thiên Cấm Sơn (hay còn gọi là núi Cấm) được biết đến là một ngọn núi cao nhất vùng Tịnh Biên, An Giang, và cũng là ngọn cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo sổ sách ghi lại, qua nhiều đời nay, ngọn núi này luôn được coi là chốn ling thiêng, ít người qua lại. Dưới thời Pháp thuộc, Phật Thầy Tây An (Đoàn Văn Huyên- một nhà yêu nước, nhà dinh điền có công khai hoang nhiều vùng đất ở Nam Bộ, cũng là người sáng lập giáo phái (Bửu Sơn Kỳ Hương) bản địa đầu tiên ở An Giang ) đã coi Thiên Cấm Sơn là chốn núi thiêng, nên không người nào dám xây cất nhà trên núi, ít người dám bước chân vào nơi thâm sâu cùng cốc ấy.

Từ nơi hoang sơ, ngày nay, Thiên Cấm Sơn dần được đầu tư, bảo tồn và mở rộng du lịch, rồi trở thành nơi vừa giữ được vẻ đẹp huyền bí, vừa giữ được sự thanh tịnh như chốn bồng lai giữa cõi trần.

Thiên nhiên ban tặng cho Thiên Cấm Sơn khí hậu quanh năm mát mẻ. Thế nên, núi luôn được bao phủ bởi rừng xây xanh ngút tầm mắt xen lẫn vô vàn loài hoa khoe sắc. Bạn đã từng đặt chân lên đỉnh Thiên Cấm Sơn? Nếu chưa, bạn hãy thử một lần, tận hưởng trọn vẹn một đêm với bồng bềnh mây gió, với sự tĩnh lặng như cõi bồng lai trên đỉnh núi này  nhé!

núi cấm
Thong dong ngắm sương sớm mờ ảo cùng đàn cá "phóng sinh" trên hồ Thủy Liêm. Ảnh: Khổng Nhung 

 

Hãy xách chiếc balo gọn gàng, lên xe  khách từ thị xã Châu Đốc (An Giang), bạn đi thêm 30 km nữa để tới Thiên Cấm Sơn. Ngay dưới chân núi là Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm rộng khoảng 100 ha, với đầy đủ các dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, ẩm thực….

Bạn bắt đầu thong dong lên một chuyến tàu điện chạy lòng vòng từ phía cổng tới sát chân núi, vừa ngắm cảnh đẹp vừa hít thật sâu chuẩn bị cho cuộc di chuyển bằng cáp treo lên đỉnh Thiên Cấm Sơn.

Bỏ ra 155,000 đồng vé khứ hồi lên đỉnh núi Cấm, bạn khởi hành trên cabin, ngắm trời mây và rừng cây của núi Cấm. Hết 3,5km tuyến cáp treo, bạn đã đặt chân lên đỉnh núi.

Ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, bất kể chỗ nào trên đỉnh Thiên Cấm Sơn cũng có những cơn gió mát và mây trắng bồng bềnh. Vậy nên bạn nhớ mang theo áo khoác nhẹ và chiếc khăn “gió ấm” nhé!

Điều sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi lên tới đỉnh núi, đó là khi mắt bạn bỗng chạm vào màu xanh của hồ Thủy Liêm nằm gọn trong thung lũng giữa lòng núi, bên cạnh đó sừng sững tượng Phật Di Lặc khổng lồ, cao 33,6m. Thế là bạn đã ngay lập tức lập được 2 kỷ lục cho chính mình đó là lên được đỉnh núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long và được ngắm bức tượng lớn nhất Đông Nam Á!

núi cam
Một góc hồ Thủy Liêm với tượng Phật Di Lặc khổng lồ ẩn hiện trong mây bên hồ. Ảnh:Võ Trần Việt Thanh

 

Nhớ vào chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn đều nằm quanh hồ Thủy Liêm tham quan và thắp nén nhang, cầu khấn những điều tốt lành nhất cho bạn và những người thân yêu. Khi mỏi chân, bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi và cho cá "phóng sinh" (cách người dân gọi cá trong hồ được phóng sinh trong mỗi dịp lễ) trong hồ Thủy Liêm ăn nhé, đây là điều thú vị mà du khách nào tới đây cũng thích thú.

Nếu đủ sức khỏe và còn thời gian bạn hay leo lên vồ (hay còn gọi là đỉnh)  Bồ Hông, nơi cao nhất trong các vồ Thiên Tuế, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà trên Thiên Cấm Sơn.

Với những khách có lòng duy tâm, hướng Phật, hãy thử theo đường bộ lên đỉnh núi, coi đây như chuyến hành hương vừa chiêm bái vừa khám phá thêm những điểm dọc theo lối đi mang màu sắc huyền bí khác như điện Cửu Phẩm, điện Mười ba tầng, điện Kín, điện Cây Quế, động Thủy Liêm, miếu Mười Cô, vồ Mồ Côi…

Chuẩn bị cho một đêm trên núi, bạn có thể lựa chọn ở khách sạn, một nhà nghỉ với giá bình dân hoặc lựa chọn khu resort để dừng chân. Rất thú vị nếu bạn chọn ngủ qua đêm trong một chiếc lều bạt cắm trại trong khu resort hoặc bạn có thể chọn một nhà sàn bình dân nằm trên sườn núi (giá rất rẻ, chỉ từ 20 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng).

Khi màn đêm buông xuống, trăng vẫn sáng vằng vặc nhưng gió lạnh sẽ thổi mạnh hơn, mây phủ kín lối, lúc đó bạn hãy thử nhen một đống lửa lớn, cùng bạn bè kéo đàn hò hát, hay thi nhau kể chuyện tiếu lâm, hoặc cùng tay trong tay bên người bạn thân yêu, dạo bước ngắm trăng lung linh trên mặt hồ Thủy Liêm, ngắm núi lẫn trong màn sương huyền ảo. Đó sẽ là một đêm khó quên trong những chuyến đi của bạn!

Nếu bạn là người thích sự tĩnh lặng, thì giữa bồng bềnh mây gió và ngàn sao ấy, bạn thử cảm nhận hơi thở của núi rừng nhé!  Bạn sẽ được nghe tiếng con “bắt cô trói cột” chốc chốc vang vọng ngay bên tai, lúc xa lúc gần lẫn trong xào xạc gió. Thỉnh thoảng, tiếng chuông chùa gióng từng hồi theo mây gió mang mầu sắc huyền ảo quấn quanh bạn, ru bạn chìm nhanh vào giấc ngủ…

Buổi sáng sớm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn sẽ có nhiều điều thú vị cho bạn khám phá. Đó là khi bạn thức giấc, mây vẫn còn như tấm chăn mỏng phủ kín rừng cây, hay đứng phóng tầm mắt ngắm nhìn, hít thở thật sâu, cảm nhận không gian nhẹ bẫng và trong lành vô cùng. Âm thanh của rừng núi lại bắt đầu một ngày mới bằng tiếng chuông chùa lẫn tiếng chim rừng lanh lảnh.

Bạn tranh thủ chụp những hình ảnh sương sớm đó làm kỷ niệm, đó sẽ là những bức hình cảnh sắc quê hương tuyệt đẹp mà ít người có được.

Nếu bạn muốn biết thêm về văn hóa, con người nơi đây, hãy tranh thủ buổi sáng sớm trước khi xuống núi, ra chợ nằm bên hồ Thủy Liêm. Nơi này cũng đủ thứ nhưng đặc sắc, lạ nhất vẫn là măng Mạnh Tông (loại măng đen, to dài, có lông được người dân trồng nhiều trên núi) và nhiều loại rau rừng như đọt bứa, ngũ trảo, bằng lăng, đọt chiếc, ngành ngạnh, cơm nguội…(Đây cũng là những thứ bạn nhất định thử ăn trong bữa tối trước đó).

Để còn thêm chút hương bị núi rừng, bạn có thể mua một số loại bánh, nông sản đã chế biến như ngô, khoai đem lên xe thưởng thức trước khi tạm biệt Thiên Cấm Sơn.

Cùng ngắm chốn bồng lai  trên núi Cấm:

núi cấm
Từ trên cabin cáp treo bạn có thể ngắm cảnh đẹp bên dưới núi Cấm. Ảnh: KN

 

núi cấm
Hồ Thủy Liêm trải rộng tầm mắt giữa thung lũng trên đỉnh núi Cấm. Ảnh: Võ Trần Việt Thanh

 

núi cấm
Người dân đi lễ ở chùa Phật Lớn bên hồ Thủy Liêm. Ảnh:KN

 

núi cấm
Chùa Phật Lớn được xây dựng năm 1912 và được trùng tu,tôn tạo trên nền cũ từ năm 2008.  Ảnh:KN

 

núi cấm
Nằm ngay dưới chân vồ Bồ Hông (đỉnh cao nhất của núi Cấm), chùa Vạn Linh mờ ảo trong mây, ẩn hiện giữa rừng cây. Ảnh: Võ Trần Việt Thanh

 

núi cấm
Chùa Vạn Linh được xây dựng từ năm 1927.  Chùa có Bảo các Quan Âm cao 9 tầng. Ảnh:Võ Trần Việt Thanh

 

núi cấm
Một góc chùa Vạn Linh. Ảnh:Võ Trần Việt Thanh

 

núi cấm
Tượng Phật Di Lặc khổng lồ trên núi Cấm. Ảnh:Võ Trần Việt Thanh

 

núi cấm
Chiếc cầu dài dẫn lối tới chùa Phật Lớn. Ảnh:Võ Trần Việt Thanh

 

núi cấm
Bạn hãy thả lỏng, tĩnh tâm và vui vẻ như những du khách này khi tới núi Cấm nhé. Ảnh: Cao Tín Thạch.

 

núi cấm
Con đường nhỏ dưới những tán cây ăn quả sẽ cho bạn cảm giác thú vị để khám phá vẻ đẹp của núi Cấm. Ảnh:KN

 

núi cấm
Mỗi chặng đường đi, bạn sẽ được trải nghiệm hệ sinh thái đa dạng trên núi Cấm.  Ảnh:KN

 

núi cấm
Qua vườn cây trái, du khách sẽ "lạc bước" vào rừng tre, trúc bạt ngàn. Ảnh:KN

 

núi cấm

Bất kể đâu bạn cũng thấy những đóa hoa khoe sắc. Ảnh:KN

 

núi cấm
Hoa trên núi Cấm. Ảnh:KN

 

núi cấm
Từ nhà nghỉ bên sườn núi, bạn có thể ngắm rừng trên núi Cấm mờ ảo trong mây. Ảnh: Võ Trần Việt Thanh

Đinh Bách (Ảnh: KN, Võ Trần Việt Thanh, Cao Tín Thạch)


Ý kiến bạn đọc