“Nóng” chuyện bổ nhiệm nhân sự

06:53, 04/10/2015
|

(VnMedia) - Con của một người nguyên là Bí thư tỉnh ủy bất ngờ được bổ nhiệm làm Giám đốc sở khi mới 30 tuổi: "Tỉnh không ưu ái con của ai"; 9 người họ hàng cùng làm quan huyện: "Có lẽ là quan hệ ngẫu nhiên"... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua...

30 tuổi làm Giám đốc Sở: "Tỉnh không ưu ái con của ai"

Đầu tiên là trường hợp Lê Phước Hoài Bảo vừa được bổ nhiệm giữ chức giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam. 30 tuổi, một cái tuổi còn quá trẻ. Nhưng điều khiến người ta quan tâm hơn đến cái tuổi này, có lẽ là bởi ông Bảo là con trai của ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Khi tìm hiểu kỹ, mọi người còn biết, ông Bảo được bổ nhiệm Giám đốc Sở chỉ sau 5 tháng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Sở, và ông được bổ nhiệm với tần suất “kỷ lục” trong 3 năm liên tiếp.

Trao đổi với báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Trần Xuân Thọ cho biết, việc bổ nhiệm được thực hiện theo đúng các thủ tục quy định. Khi lấy phiếu tín nhiệm ông Bảo tại Sở KH&ĐT, 100% cán bộ chủ chốt đều nhất trí. Lãnh đạo cấp ủy của Sở cũng 100% nhất trí, ở Tỉnh ủy cũng nhất trí 100%. “ Ở đây không có chuyện con ông nào cả. Tỉnh không ưu ái con của ai, cứ có năng lực thì đề bạt. Con của nông dân, công nhân mà giỏi cũng đưa lên. Quảng Nam vừa rồi bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trẻ đấy thôi.” – ông Trần Xuân Thọ nói.

Tuy nhiên, giải thích của ông Thọ chưa làm dư luận thỏa mãn. Vấn đề tiếp tục được phóng viên đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 29/9. Tại đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để rà soát lại toàn bộ quá trình bổ nhiệm có đúng các quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước hay không.

" Sau khi tổ công tác kết thúc làm việc với tỉnh Quảng Nam, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành họp báo riêng để thông báo chi tiết những vấn đề dư luận đang quan tâm liên quan đến việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, cũng như có kết luận về việc bổ nhiệm này có đúng với các quy định của Đảng, Nhà nước hay không. Chúng ta làm việc công khai, minh bạch, rõ ràng nhưng phải có trách nhiệm. Tất cả phải thể hiện trên văn bản. Khi có biên bản, báo cáo chính thức của tỉnh Quảng Nam, chúng ta sẽ thông tin có căn cứ, cơ sở hơn ." - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Ảnh minh họa

Ông Lê Phước Hoài Bảo vừa được bổ nhiệm giữ chức giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam khi mới 30 tuổi


Nhiều người họ hàng cùng làm quan: "Chỉ là sự ngẫu nhiên!"

Tuần qua, tại Thủ đô, thông tin tại huyện Mỹ Đức tồn tại hiện tượng “cả họ tham gia bộ máy chính quyền huyện” qua phản ánh đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, bức xúc.

Theo phản ánh của báo Người Lao động thì nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện Mỹ Đức có liên quan trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang (tái đắc cử nhiệm kỳ 2015-2020).

Cụ thể, bà Lê Thị Vĩnh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, là cô ông Sang; bà Đỗ Thị Lê Hương, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, là con thông gia với ông Sang; ông Lê Văn Nhiệm, phó ban quản lý dự án, là em họ ông Sang; bà Lê Hải Hồng, Phó Phòng Kinh tế, là chị họ ông Sang; ông Lê Văn Sức, Trưởng Phòng Dân tộc học, gọi ông Sang bằng chú; bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, là em bên họ vợ ông Sang; Nguyễn Thị Duyên, kế toán Phòng Quản lý đô thị, con dâu ông Sang...

Còn ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, có 2 con trai là Nguyễn Văn Hùng, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nguyễn Văn Hưng, Phòng Nội vụ của huyện.

Sau khi báo chí đưa tin, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo Thường vụ Thành ủy đã thành lập 1 tổ công tác làm việc với huyện, kiểm tra toàn bộ hồ sơ lưu trữ của huyện về bổ nhiệm các chức danh đó. “ Quy trình bổ nhiệm rất chặt chẽ, đúng quy định. Cán bộ được bổ nhiệm phần lớn đảm bảo đúng quy trình, cán bộ trong quy hoạch, sau khi được bổ nhiệm đã và đang phát huy tốt. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm nhiều năm trước khi ông Sang là bí thư ” - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, ông Đào Đức Toàn cho biết.

Sau đó, ông Phan Chu Đức, Phó Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, việc nhiều người cùng họ hàng với lãnh đạo huyện Mỹ Đức cùng được bổ nhiệm làm cán bộ chỉ là “ ngẫu nhiên ”.

Có thể đây chỉ là quan hệ hết sức ngẫu nhiên. Quy trình đảm bảo, tiêu chuẩn đảm bảo. Đặc biệt là các đồng chí cán bộ sau khi bổ nhiệm đều phát huy được. Cả 9 đồng chí đều có quá trình công tác tại địa phương, nhiều đồng chí đã qua cơ sở .” - ông Phó Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Liên quan đến hiện tượng bất thường, đó là việc 6 cán bộ đang làm việc tại Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, đều là con của các lãnh đạo huyện Mỹ Đức “ngẫu nhiên” cùng được điều chuyển về các phòng ban của huyện, ông Đức khẳng định, việc quyết định, trưng tập 6 cán bộ từ ban quản lý danh thắng hương sơn UBND huyện cũng “đúng theo đúng thẩm quyền của UBND huyện.”

Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, “điều dư luận quan tâm và điều chúng ta thấy có cái gì đó là không ổn, đó là tại sao không điều rộng rãi các cán bộ khác mà lại điều đúng 6 con em của các đồng chí Lãnh đạo huyện Mỹ Đức?, chúng tôi nghĩ đây là việc làm thiếu thận thận trọng và thiếu khách quan của một số đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Đức.”

Liên quan đến vụ việc này, 5/6 trường hợp nói trên hiện đã được “trả về vị trí công tác cũ, tức là quay lại Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn.”

Tòa nhà cao "bất thường" trong khu vực nhạy cảm

Ngoài chuyện bổ nhiệm nhân sự ở một số địa phương kể trên thì tuần qua, tại Hà Nội, một vụ việc cũng thu hút sự quan tâm, lo ngại của dư luận, đó là việc tòa nhà 8B Lê Trực – một tòa nhà nằm trong phạm vi hết sức nhạy cảm của quận Ba Đình, bị báo chí “đặt vấn đề” về chiều cao bất thường của nó.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án và báo cáo gấp kết quả ngay trong tháng 9.

Sau yêu cầu này của Thủ tướng, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra. Theo kết luận của Hà Nội, việc cho phép lập dự án, chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, cấp Giấy phép xây dựng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tổ công tác liên ngành bước đầu đã xác định chủ đầu tư trong quá trình triển khai Dự án đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp.
 
Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song Chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái); Phần giật cấp đầu hồi, Chủ đầu tư không xây dựng giật cấp theo quy hoạch ban đầu. Tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2 tăng khoảng 6.126 m2 so với giấy phép.

Về chiều cao công trình, Chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Hiện, điều dư luận mong chờ nhất là quyết định xử lý đối với sai phạm này như thế nào, liệu Thành phố có quyết liệt “cắt ngọn” phần sai phạm, đồng thời phá bỏ phần xây thừa không để khoảng lùi cũng như không giật cấp đầu hồi hay không. Còn trong bản thông báo ban đầu, Thành phố khẳng định “sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của Chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các phần công trình vi phạm về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc..., đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng được cấp.”

Trong khi đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Nếu báo cáo chưa đầy đủ hoặc hồ sơ chưa đầy đủ, chắc chắn chúng tôi sẽ đề xuất, tham mưu với Thủ tướng là lập đoàn thanh tra để làm rõ trước khi Thủ tướng Chính phủ kết luận."


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc