Trưa 1/10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh cho biết, vừa cứu sống trường hợp vô cùng hy hữu, bệnh nhi bị đạn bi bốn ly bắn xuyên tai.
Bác sĩ Phan Gia Duy Linh, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi nhận định: “Cứu sống được bé Thảo ngoài sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ còn phải nhờ vào… may mắn. Ca bệnh này vô cùng phức tạp".
Trước đó, vào hồi 18h ngày 23/9, bé Hoàng Thị Thảo (sinh năm 2002, ngụ tại tỉnh Đắk Nông) đang đứng ở sân nhà bỗng nghe tiếng nổ ngay bên tai. Bé Thảo chỉ kịp ôm tai rồi máu cứ thế chảy ra.
|
Hoảng hốt không hiểu chuyện gì xảy ra, anh chị của bệnh nhi đã đưa bé tới bệnh viện huyện, rồi chuyển sang bệnh viện tỉnh. Kết quả chụp CT ở bệnh viện tỉnh cho thấy khá phức tạp nên đã chuyển bé về TP. Hồ Chí Minh.
“Sau khi kiểm tra và thăm khám, chúng tôi nhận thấy bé có vết thương xuyên từ sau dái tai trái vào trong. Trên phim chụp CT nhìn thấy dị vật tròn nằm sâu phía trước cột sống hơi lệch qua bên trái”, bác sĩ Linh nói.
|
Viên đạn trong cơ thể bệnh nhi trên phim chụp |
Tới lúc này, viên đạn đã nằm trong cơ thể bệnh nhi 3 ngày, bé phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, bởi vùng đạn xuyên vào là vị trí trọng yếu, có rất nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Chỉ cần đường đạn lệch một chút, bé đã tử vong ngay tại chỗ.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ. Bác sĩ Phạm Nguyên Thái, người cùng tham gia mổ cứu bệnh nhi Thảo kể: “Chúng tôi phải nhờ tới sự hỗ trợ của đơn vị chẩn đoán hình ảnh, vừa mổ vừa chụp CT tại chỗ, rồi nhìn hình ảnh CT để đoán vị trí đạn. May mắn, sau vài tiếng tìm được viên đạn. Trên thực tế có nhiều ca mổ kéo dài cả 10 tiếng đồng hồ nhưng đành bó tay, không tìm ra dị vật bởi các bác sĩ không dám mạnh tay, sợ làm tổn thương các cấu trúc lân cận".
Viên đạn được lấy ra đã bị rỉ sét, để lâu thêm chút nữa bệnh nhi sẽ bị nhiễm trùng, áp xe, gây di chứng nặng nề về sau. Đây là viên đạn 4 ly, dùng để bắn chim.
Chức năng nghe của tai bé Thảo không bị ảnh hưởng. Ca mổ diễn ra thành công ngoài dự kiến, dù trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã dự trù tới khả năng xấu nhất: không tìm ra dị vật, hoặc bệnh nhi sẽ bị ảnh hưởng hệ thống mạch máu, dây thần kinh nuôi não, tử vong trên bàn mổ nếu không cầm máu được. Dự kiến Thảo sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bố em Thảo cho biết thêm, xung quanh nhà ông xưa nay chưa ai nghe nói, hoặc có ai sử dụng súng săn. Khi xảy ra tai nạn, xung quanh nhà cũng không có ai. Nên không thể biết viên đạn xuất phát từ đâu.
Ý kiến bạn đọc