Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (CPHUD) cho biết, đơn vị đã chính thức khởi kiện nhiều nhân tài đi du học diện chính quyền cử đi nhưng không quay về phục vụ thành phố.
Theo đó, trong số nhiều học viên thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), 7 người chính thức bị kiện và buộc phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng.
Ngày 28/9, TAND thành phố Đà Nẵng đã mở phiên sơ thẩm, buộc 2 học viên Hồ Viết Luận (24 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Trà (29 tuổi) bồi thường tổng tiền gần 6 tỷ đồng. Theo lãnh đạo CPHUD, 5 hồ sơ khởi kiện còn lại với những tình tiết tương tự chị Trà và anh Luận.
|
Những học viên trong Đề án 92 trong một lần nhận chứng chỉ |
Dù thắng kiện 7 nhân tài vi phạm hợp đồng theo chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", nhưng ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc CPHUD buồn bã thừa nhận "đã mất mát nhiều thứ".
Ông Chiến cho biết: "Chúng tôi không muốn khởi kiện mà chỉ mong những học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) đạt được kết quả học tập tốt, tuân thủ luật pháp và về làm việc cho thành phố như đúng cam kết. Họ không đồng hành cùng thành phố là điều chúng tôi không mong muốn và việc khởi kiện là việc cực chẳng đã.
Mặc dù còn rất nhiều việc cấp thiết phải làm, nhưng hàng năm thành phố vẫn dành một khoản tiền không nhỏ để cho các em đi học, đồng thời gửi gắm niềm tin và hy vọng các em sẽ tiếp thu trình độ, kỹ năng ở các nước tiên tiến rồi quay về phục vụ lại cho thành phố và nhân dân. Tiền thành phố chi cho các học viên đều từ ngân sách. Mà ngân sách là tiền thuế của dân, là mồ hôi của công nhân trong xưởng máy, của nông dân ngoài đồng và cả lệ phí của những chị em buôn thúng bán bưng. Để thất thoát số tiền từ mồ hôi và công sức của nhân dân là không thể được.
Những học viên vi phạm hợp đồng nhẽ ra chúng tôi đã có thể khởi kiện sớm hơn. Nhiều học viên và gia đình khi không đồng hành cùng đề án của thành phố đã ý thức về điều đó, nên đã mạnh dạn cầm cố cả nhà cửa để trả lại tiền cho ngân sách. Trái lại nhiều học viên dù có điều kiện về kinh tế vẫn chây ỳ. Việc khởi kiện các học viên và gia đình vi phạm hợp đồng cũng là đảm bảo sự công bằng cho những học viên có ý thức và tuân thủ pháp luật.
Kiện học viên vi phạm không chỉ để truy thu ngân sách, đảm bảo tính nghiêm minh của đề án và pháp luật, mà còn nhắc nhở các học viên luôn ý thức về nghĩa vụ của mình.
Cũng theo ông chiến: Hoàn toàn có thể truy thu số tiền gấp 5 lần đối với các học viên tham gia đề án trước ngày 10/12/2013. Nhưng việc này nếu thực hiện cũng không dễ vì học viên sẽ khó trả được, đặc biệt là những người mà chương trình học của họ đã tốn kém tiền tỷ.
Thêm vào đó, để phù hợp với Nghị định 143/2013 về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, UBND thành phố đã có chủ trương trường hợp vi phạm sẽ phải hoàn lại số tiền gấp 2 và sau đó là một lần. Ví dụ, chị Huỳnh Thị Thanh Trà nhận hơn 1,5 tỷ đồng đi học ở Mỹ, khi vi phạm hợp đồng, phải bồi thường gấp 5 lần với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chủ trương mới chị Trà chỉ phải hoàn trả số tiền gấp 2 lần là gần 3,1 tỷ đồng. Như vậy, mức đòi bồi thường của thành phố là hợp tình hợp lý và có tính khả thi.
Tính đến tháng 7/5015, đã có 625 lượt người tham gia Đề án 922. Trong đó, có 397 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 234 học ở nước ngoài); 109 lượt học viên bậc sau đại học ở nước ngoài (89 bậc thạc sĩ và 20 bậc tiến sĩ), 119 học viên tham gia Đề án theo Kế hoạch đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.
Số lượng học viên tham gia Đề án 922 đã tốt nghiệp là 390 lượt người và hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 315 người (336 lượt), gồm 85 bậc sau đại học; 164 bậc đại học; 66 bác sĩ, bác sĩ nội trú. Số lượng học viên vi phạm hợp đồng hoặc xin ra khỏi Đề án là 71 người; trong đó, 42 người vi phạm hợp đồng, 29 người xin rút khỏi Đề án.
Ý kiến bạn đọc