(VnMedia) - Ngẫu nhiên, cả 6 người được điều chuyển từ Ban Quản lý lễ hội Chùa Hương về các phòng, Ban của huyện Mỹ Đức đều là con của các đồng chí lãnh đạo huyện...
>> Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện
>> Vụ “cả họ làm quan”: 5 người phải “trở về vị trí cũ”
Liên quan đến thông tin “cả họ làm quan huyện”, chiều 29/9. ông Phan Chu Đức, Phó Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ tên tuổi của 6 trường hợp được điều chuyển, trong đó có 5 người đã bị “trả” trở lại nơi làm việc cũ sau khi thông tin được đưa trên báo chí khiến dư luận bức xúc.
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 29/9, ông Phan Chu Đức cho biết: qua quá trình kiểm tra hồ sơ, kiểm tra quy trình bổ nhiệm cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ cho thấy, cả 9 trường hợp báo chí nêu thì quy trình bổ nhiệm cán bộ đều đảm bảo theo Quyết định 283, 284 của Thành ủy Hà Nội.
“ Trên cơ sở hai Quyết định đó, Huyện Mỹ Đức đã cụ thể hóa thành các văn bản để thực hiện. Chúng tôi kiểm tra rất tỉ mỉ, có thể hiện bằng cả các số phiếu của các hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Về tiêu chuẩn cán bộ, khi bổ nhiệm vào các chức danh cũng đảm bảo. Tất cả các trường hợp được bổ nhiệm đều có bằng chuyên môn, bằng trung cấp lý luận chính trị và thậm chí có bằng cao cấp lý luận chính trị, đều trong quy hoạch cán bộ và đều có nhận xét, đánh giá quá trình công tác, nhận xét của nơi cư trú, nhận xét đánh giá cán bộ hàng năm... Như vậy là quy trình đảm bảo, tiêu chuẩn đảm bảo. Đặc biệt là các đồng chí cán bộ sau khi bổ nhiệm đều phát huy được. Cả 9 đồng chí đều có quá trình công tác tại địa phương, nhiều đồng chí đã qua cơ sở. Như vậy có thể nói, về mặt quy trình, tiêu chuẩn, đánh giá chất lượng cán bộ đều đảm bảo theo các yêu cầu .” - ông Phó Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định.
|
5 cán bộ được trưng tập, biệt phái về các phòng ban của UBND huyện Mỹ Đức đã được "trả về" vị trí cũ là Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương - ảnh minh họa |
Về việc biệt phái 6 viên chức thuộc Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương, là con em các đồng chí lãnh đạo huyện về công tác tại các phòng, ban của huyện, ông Đức thừa nhận “việc này báo nêu là đúng.”
Cụ thể, trường hợp thứ nhất, UBND huyện Mỹ Đức đã ra quyết định điều động các trường hợp sau:
- Điều động viên chức Lê Đức Anh, là con trai đồng chí Lê Văn Sơn, trưởng Ban tổ chức huyện ủy từ Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn về công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện.
5 trường hợp biệt phái viên chức từ Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn để cử về công tác tại các ban chuyên môn của UBND bao gồm:
- Trưng tập biệt phái viên chức Nguyễn Thế Hưng, con trai đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện về phòng Nội vụ huyện;
- Trưng tập biệt phái viên chức Nguyễn Mạnh Hùng, con trai đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện về phòng tài chính kế hoạch huyện;
- Trưng tập viên chức Lê Văn Hưng, con trai đồng chí Lê Văn Cành, Phó chủ tịch UBND huyện về Phòng Nội vụ huyện;
- Trưng tập viên chức Nguyễn Thị Ngọc Duyên con dâu đồng chí Lê Văn Sang, Bí thư Huyện ủy về Phòng Quản lý Đô thị huyện
- Trưng tập viên chức Nguyễn Minh Hòa, con trai đồng chí Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện về Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện.
Như vậy, viêc trưng tập và điều động 6 viên chức tại Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn về các cơ quan của huyện mà báo chí, dư luận nói là "hoàn toàn đúng".
Tuy nhiên, nhận định quy trình tuyển chọn các cán bộ này, ông Đức khẳng định, việc quyết định, trưng tập 6 cán bộ từ ban quản lý danh thắng hương sơn UBND huyện là đúng theo đúng thẩm quyền của UBND huyện. Đối chiếu với các quy định hiện hành thì không có sai phạm.
“Điều dư luận quan tâm và điều chúng ta thấy có cái gì đó là không ổn, đó là tại sao không điều rộng rãi các cán bộ khác mà lại điều đúng 6 con em của các đồng chí Lãnh đạo huyện Mỹ Đức?, chúng tôi nghĩ đây là việc làm thiếu thận thận trọng và thiếu khách quan của một số đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Đức. Việc này, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Thường vụ huyện Mỹ Đức nghiêm túc kiểm điểm vấn đề, không thể để tái diễn như vậy được. Mặc dù ngay khi Ban Thường vụ Thành ủy chưa chỉ đạo nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức yêu cầu các viên chức này quay trở về vị trí cũ, tức là quay lại Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn.” - ông Đức nói.
Về một việc mà báo chí cũng rất quan tâm, đó là cho rằng bí thư huyện ủy Lê Văn Sang co kéo các anh em họ hàng vào làm các chức vụ tại huyện, ông Đức cung cấp thông: “Đồng chí Lê Văn Trang, con trai Bí thư huyện ủy Lê Văn Sang, sinh 1983, đã thi đỗ công chức Thành phố từ năm 2006 đến năm 2009 thì về công tác ở huyện đến 2002 thì được đề bạt, tức là sau 6 năm công tác, có bằng Đại học chuyên môn về kinh tế, bằng thạc sĩ về kinh tế. Đây là một cán bộ trẻ, chúng tôi đã làm việc với cơ sở và thấy họ đánh giá rất cao. Qua kết quả bầu chọn tại xã, đồng chí này đã đạt được số phiếu bầu lên đến 94%. Nếu như đồng chí này về đây mà không phát huy được năng lực thì sẽ mất tín nhiệm cả bố và con."
"Về trường hợp đồng chí Lê Văn Sơn, được bổ sung vào Ban Thường vụ huyện ủy tháng 1/2005, giữ chức danh trưởng Ban tổ chức huyện ủy tháng 2/2005. Lúc này ông Lê Văn Sang mới chỉ là huyện ủy viên kiêm trưởng phòng tài chính, nếu nói về chức vụ, cương vị thì đồng chí Sơn còn cao hơn.
"Trường hợp đồng chí Lê Thị Vĩnh, Trưởng phòng tài chính kế hoạch của huyện sau khi tốt nghiệp Đại học tài chính đã về công tác ở huyện từ 1986, sau 21 năm công tác liên tục, hoàn thành nhiệm vụ, đến năm 2007 mới được đề bạt Phó phòng tài chính, khi đó đồng chí Sang mới là Phó Chủ tịch huyện. Sau đó, đến năm 2012 đồng chí Vĩnh mới được đề bạt làm Trưởng phòng Tài chính và các quy trình đều đảm bảo.
"Cho nên nói rằng đồng chí Sang co kéo họ hàng là không phải.” - ông Đức khẳng định.
Ý kiến bạn đọc