(VnMedia) - Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/9, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân khẳng định, nếu không rào chắn thì không thể thi công công trình và ông “chưa bao giờ nói là phải tháo dỡ rào chắn”.
|
Ông Nguyễn Xuân Tân tại buổi họp báo - ảnh: Tuệ Khanh |
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải cho biết, Hà Nội hiện có khoảng trên 120 điểm rào chắn thi công, trong đó có 2 tuyến đường sắt trên cao và nhiều công trường góp phần làm cho giao thông Hà Nội thêm phức tạp, gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
"Tuy nhiên, không có con đường nào khác, nếu muốn phát triển thì phải chấp nhận, trước hết phải ưu tiên làm đường giao thông. Đó là một yếu tố tất yếu," - ông Tân khẳng định.
Liên quan đến chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, đó là việc tháo dỡ một số rào chắn công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Tân khẳng định: "Tôi chưa bao giờ nói là phải dỡ rào chắn!"
"Người ta thi công thì phải rào chắn, không tạo điều kiện thì bao giờ họ hoàn thành được công trình? Chỉ khi nào người ta làm xong hoặc trong thời gian tạm dừng thì phải dỡ" - ông Tân nói.
Theo ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, nhiệm vụ của Sở là giám sát tiến độ thi công các công trình, nếu chưa thi công thì tạm thời thu rào chắn lại, khi nào thi công thì lại tạo điều kiện cho rào để thi công tiếp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng dự án không thi công nhưng vẫn rào chắn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, ông Tân khẳng định: "Không có chuyện có công trình không thi công mà lại rào chắn!
"Các đồng chí người trần mắt thịt nhìn thì tưởng là không thi công, nhưng người ta làm những công việc kỹ thuật mình không thể nhìn mà biết được. Người ta cũng muốn làm nhanh, càng làm nhanh càng thu hồi vốn nhanh, càng chậm càng chết. Chỉ có chúng tôi cấm giương cẩu lên trong thời gian người tham gia giao thông đông thì mọi người không nhìn thấy, tưởng là họ không làm." - ông Tân khẳng định.
|
Rào chắn công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng - ảnh: Dân Việt |
Liên quan đến việc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa công bố 21 công trường gây ùn tắc giao thông, cùng với việc cảnh báo 21 chủ công trường này nếu không có biện pháp chấn chỉnh sẽ bị rút giấy phép thi công, ông Tân thẳng thắn: "Nói thế thôi chứ rút giấy phép thì doanh nghiệp “ốm”. Tôi chưa rút giấy phép của ai cả."
Ông Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải cho rằng, đường bình thường đã đông, đã bức xúc, khi rào chắn để làm công trình chắc chắn sẽ gây bức xúc hơn. "Chúng tôi tổ chức thanh tra xem có đơn vị nào làm không đúng thì nhắc nhở, đôn đốc để họ triển khai đúng tiến độ" - ông Tân cho biết.
Vài ngày nay, dư luận người dân Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc đội Cảnh sát giao thông số 7 (Công an thành phố Hà Nội) đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội rút giấy phép công trường thi công chiều dài trên 400m tuyến Nguyễn Trãi gây ùn tắc thời gian qua.
Theo đó, Đội Cảnh sát giao thông số 7 đã gửi văn bản tới Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất xin rút giấy phép những công trường có rào chắn thi công chiều dài trên 400m, đặc biệt là hàng rào công trường hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến do Tổng công Xây dựng công trình giao thông 4 - Cienco4 thi công.
Lý do là bởi vào thời gian từ 7h – 8h30 sáng hàng ngày, nút giao thông Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến thường bị ùn tắc hàng giờ đồng hồ khiến lực lượng điều tiết giao thông rất vất vả, trong khi đó, thời gian này công trường lại không thi công, nhưng hàng rào chắn công trình lại chiếm phần lớn diện tích mặt đường.
Ngoài ra, Đội Cảnh sát giao thông số 7 cũng đề nghị tuyến nào chậm thi công thì rút giấy phép để giao thông không bị ùn tắc như hiện nay. Ngay sau khi nhận được đề nghị này, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu Thanh tra sở cùng với các phòng ban chuyên môn xuống hiện trường kiểm tra các công trường thi công tuyến đường sắt đô thị và ghi nhận công trường nào chậm thi công thì sẽ đề xuất xử lý. Sáng qua (14/9), việc tháo dỡ rào chắn ở khu vực này đã bắt đầu được thực hiện.
Ý kiến bạn đọc