Tăng chất lượng công chức: Có quyết làm thật?

15:33, 09/09/2015
|

Chúng ta nói nhiều về việc nâng cao chất lượng công chức, giảm biên chế nhưng không có giải pháp cụ thể thì rất khó thành công.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia đã nêu quan điểm về việc "Xây dựng chế độ công chức, công vụ chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng công chức Việt Nam".

Không thể để vừa đá bóng, vừa thổi còi

Theo TS. Tri, một điều dễ thấy trong thời gian dài vừa qua Bộ Nội vụ và nhiều cơ quan, ban ngành nói nhiều đến câu chuyện cắt giảm biên chế. Thế nhưng thực tế dường như lại đi ngược lại khi không ít bộ, ngành, địa phương tiếp tục có văn bản đề nghị xin thêm biên chế. Và kết quả là càng nói giảm thì biên chế càng phình to còn chất lượng công chức không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Bài học này đã quá rõ vì vậy chúng ta muốn xây dựng chế độ để nâng cao chất lượng công chức thì chuẩn hóa phải rõ ràng, có tiêu chí cụ thể. Vẫn còn tình trạng như trên nguyên nhân chính là vì ở ta cách làm khá phân tán và rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, câu chuyện thân quen nể nang vẫn còn.

Muốn thực sự thay đổi dứt khoát phải sát hạch như thời phong kiến thi hương, thi hội, thi đình. Thứ hai là phải đứng trên quan điểm tổng thể toàn quốc để tránh chuyện luân chuyển cán bộ. Luân chuyển nhiều khi mang tính chất hình thức. Luân chuyển bổ nhiệm điều đi chỗ khác thì cuối cùng biên chế chung vẫn là con số đó.

Phải đồng tình với nhận định tiêu cực đang phá hoại chất lượng công chức. Dường như điều này đã là luật bất thành văn. Xã hội đều thấy câu chuyện xin việc làm, thăng quan tiến chức, mặc dù chúng ta vẫn nói công bằng dân chủ nhưng rõ ràng là có tiêu cực trong đó.

Ảnh minh họa

 Nếu quyết tâm làm sẽ lọc được công chức tốt.


Chúng ta có quyết làm thật hay chỉ nói xoa dịu dư luận?

Theo TS. Nguyễn Hữu Tri, kể từ khi câu chuyện chạy công chức, cán bộ lười không làm việc được lãnh đạo nhà nước đề cập, dư luận thực sự bức xúc.

Khi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: "Chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về", đã nhận được sự đồng tình của đa số người dân.

Và cũng kể từ đó, câu chuyện cải tiến chất lượng công chức, giảm biên chế cũng được các cơ quan nhà nước bàn đến nhiều nhưng rồi thực tế sẽ làm được đến đâu là một câu chuyện xa.

"Chúng ta vẫn mắc chứng bệnh văn bản tuyệt vời nhưng thực tế không giống như văn bản. Chỉ một cách cụ thể thì không ai chỉ được. Thực tâm chúng ta có muốn thay đổi hay không lại là chuyện khác", ông Tri tâm tư.

Theo nhà nghiên cứu về chế độ hành chính này thì phải bắt đầu từ những người lãnh đạo. Chỉ có họ mới có thể trả lời giải pháp đưa ra có thực sự đột phá hay không. Còn nếu chỉ cắt tỉa râu ria những nhân viên ở dưới thì cũng chả đi đến đâu.

Ông Tri hiến kế, đầu tiên phải thanh lọc được từ chính tư duy của những người đứng đầu thì mới nói đến chuyện lọc người dưới. Đặc biệt phải có cơ quan thanh tra - giống như thanh tra nhân sự. Tuyển chọn những người đủ đức, tài để làm thanh tra nhân sự rà soát các cấp thì may ra mới thành công.

Một điều quan trọng nữa ông Tri cho rằng muốn giảm biên chế không khó. Giống như ở Trung Quốc họ giảm biên chế bằng cách chuyển hết sang không lấy tiền ngân sách khi đó tức khắc là giảm biên chế.

Rồi cũng chính từ đó khi không được bao bọc bằng tiền của nhà nước, mỗi cơ quan, bộ phận phải tự lo tiền sẽ tìm cách tốt nhất để sử dụng người lao động sao cho hiệu quả nhất, tinh nhất.

"Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là chúng ta thực tâm muốn làm đến đâu hay chỉ ra văn bản, đề án để dư luận thấy rằng có một sự cố gắng để nâng cao chất lượng công chức. Thực tế người lãnh đạo biết rõ ai là người làm tốt công việc, ai không cần. Nếu quyết tâm làm thì không khó", TS. Nguyễn Hữu Tri khẳng định.


Theo Đất Việt

Ý kiến bạn đọc