Các cơ sở dịch vụ tang lễ ký cam kết vận động người dân không rải vàng mã trên đường khi đưa tang. Nếu cơ sở nào để xảy ra việc này sẽ bị phạt tiền hoặc đề xuất rút giấy phép hoạt động.
Trong các ngày 24/7 và 11/9, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP Đà Nẵng) đã tổ chức buổi ký kết không rải vàng mã trên đường cho 23 cơ sở dịch vụ tang lễ.
UBND xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cắm biển vận động người dân không rải vàng mã trên đường DT610. |
Gần 10 đám tang chỉ còn một đám rải vàng mã
Theo cam kết nói trên, các cơ sở dịch vụ tang lễ có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu gia đình người có tang không được rải tiền, giấy vàng mã, tiền thật hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang. Khi dừng lại để cúng, đường phải dọn dẹp sạch sẽ nhằm thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị... Nếu cơ sở nào để xảy ra việc rải giấy tiền, vàng mã, tiền thật... cũng như xả rác gây ô nhiễm tại nơi dừng cúng đường sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo PC49, nếu cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013 của Chính phủ với mức từ 1 - 2 triệu đồng. Trong trường hợp cố tình tái phạm, PC49 sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động.
Theo một cán bộ của Ban nghĩa trang TP Đà Nẵng, ngay sau đợt ký cam kết vào tháng 7/2015, đơn vị đã cho dán logo trên tất cả xe tang với nội dung không rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang. Theo vị cán bộ này, việc tuyên truyền, vận động người dân không rải vàng mã bước đầu đã có kết quả.
Cụ thể, ngày 11/9 vừa qua có gần 10 đám tang nhưng sau khi được vận động chỉ còn 1 trường hợp gia đình người chết lén lút rải vàng mã, tuy nhiên lái xe phát hiện và đã đề nghị gia đình lượm sạch.
“Khi vận động thấy đa số bà con đều ủng hộ việc không rải vàng mã. Tất nhiên trong gia đình vẫn có người phản ứng. Tôi nghĩ phải mất thời gian vài ba tháng thì mọi người sẽ hiểu và ủng hộ việc này” - cán bộ này cho hay.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng, một trong những hành vi làm mất mỹ quan đô thị lâu nay chưa có hướng giải quyết là tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang. Ước tính mỗi ngày Đà Nẵng có từ 25 - 40 đám tang, bình quân sau sáu đám tang, công nhân vệ sinh phải thu gom lại 2 tạ giấy, gạo, muối, gây không ít khó khăn cho những người làm công tác môi trường.
Xã vận động không rải vàng mã
Đi dọc tuyến đường DT610 đoạn qua xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nhiều người bất ngờ khi thấy xuất hiện nhiều bảng tuyên truyền không rải vàng mã trên đường đưa tang.
Xã Duy Trung là nơi có nghĩa địa Nỗng Bồ, nơi an táng cho người dân trong vùng và thị trấn Nam Phước. Những năm trước đây, các hộ dân có nhà trên đường xe tang đi qua liên tục than phiền vì phải dọn dẹp nhà cửa do tình trạng rải vàng mã.
Theo ông Nguyễn Văn Ba, phó chủ tịch UBND xã Duy Trung, vào giữa năm 2014 xã thấy phong tục rải vàng mã trên đường đưa tang ảnh hưởng đến nhiều nhà dân nên các đoàn thể đã ngồi lại tìm cách tuyên truyền cho người dân hạn chế việc này.
“Hiện nay tại các thôn tổ, người dân đều đã ký cam kết không rải vàng mã trên đường đưa tang. Chúng tôi không cấm nhưng vận động người dân hạn chế việc đốt vàng mã, hoặc đốt đúng nơi đúng chỗ vì nó gây tốn kém lại ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đối với các địa phương khác, chúng tôi cắm bảng thông báo không rải vàng mã trên khắp tuyến đường để người dân nhận thức, không làm ảnh hưởng đến nhà dân xung quanh” - ông Ba nói.
Tập tục gây nhiều phiền toái |
Ý kiến bạn đọc