Phá biệt thự nguy hiểm phải xây lại y như cũ

10:07, 25/09/2015
|

(VnMedia) - Trường hợp nhà buộc phải xây dựng lại do không bảo đảm chất lượng, nếu là nhà nhóm I và II (như nhà 107 Trần Hưng Đạo), công trình xây dựng lại phải đúng nguyên trạng biệt thự cũ.

>> Biệt thự cổ Hà Nội: Đừng bắt người nghèo ở nhà sang!
>>"Đột nhập" ngôi biệt thự "độc" nhất Hà Nội

Hai ngày sau sự cố đổ sập ngôi biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo làm 2 người chết, 6 người bị thương, chiều 24/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo làm việc với các Sở, Ngành tiếp tục tìm giải pháp khắc phục.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cùng các cơ sở y tế tạo điều kiện tốt nhất cứu chữa, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân của vụ sập nhà.

Ông Nguyễn Thế Thảo giao quận Hoàn Kiếm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân, đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng bố trí tạm cư để các hộ dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.

Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ các ngôi biệt thự cổ để có biện pháp đảm bảo an toàn



Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các đơn vị trên phải đưa ra giải pháp như chống đỡ, tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình ở khu đất 107 Trần Hưng Đạo có nguy cơ sập đổ để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực.

Sở Xây dựng có nhiệm vụ phối hợp với quận Hoàn Kiếm và đơn vị sử dụng tòa nhà (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) khẩn trương khảo sát, đánh giá chất lượng các công trình còn lại trong khu đất 107 Trần Hưng Đạo bị ảnh hưởng do sập khu nhà chính.

“Qua khảo sát, đánh giá nếu các công trình đảm bảo an toàn thì cho phép các hộ dân tiếp tục ở lại, sớm ổn định cuộc sống. Trong trường hợp công trình không đảm bảo an toàn, Sở Xây dựng phải ban hành quyết định hành chính di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân”, Chủ tịch UBND yêu cầu.

Một việc quan trọng sau sự cố sập nhà đã được Chủ tịch Thành phố đặc biệt nhấn mạnh, đó là yêu cầu Công an Thành phố chỉ đạo khẩn trương giám định, xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tai nạn, sự cố và xử lý theo quy định.

Song song với việc chỉ đạo khắc phục các sự cố liên quan đến vụ sập nhà, ông Nguyễn Thế Thảo cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện tiếp tục rà soát toàn bộ công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp. Sau khi rà soát, các đơn vị này phải đề xuất các giải pháp xử lý đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho người dân.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện còn khoảng 1.500 biệt thự do Pháp để lại. Hầu hết biệt thự này đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm, thậm chí bị làm biến dạng, tình trạng tranh chấp tại đây rất phức tạp. Ngoài ra, nhiều biệt thự thuộc sở hữu nhà nước hiện do hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng.

Cụ thể, hiện nay, số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỉ lệ chỉ khoảng 15%. Số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm tỉ lệ tới 80%. Số % ít ỏi còn lại là lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới.
 
Hiện, đối với các biệt thự có giá trị đặc biệt này, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tổ chức lập hồ sơ tư liệu gốc, lưu trữ theo quy định để phục vụ cho quá trình quản lý, trùng tu, bảo tồn và phải được tổ chức đánh dấu trên sơ đồ vị trí. Việc bảo tồn được xác định là nguyên trạng về mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao, hình thức kiến trúc.

Biệt thự nguy hiểm xây lại phải giống y như cũ

Cũng trong ngày hôm qua 24/9, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đã được quy định rất rõ tại Luật Nhà ở, Nghị định 34 của Chính phủ, đó là hàng năm chủ quản lý, sử dụng phải lập kế hoạch duy trì, cải tạo. Nếu nhà có nguy cơ không bảo đảm an toàn, chủ sử dụng phải có trách nhiệm thuê tư vấn kiểm định chất lượng. Nếu kết quả kiểm định nhà ở cấp độ D, tức nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, chủ sử dụng phải thực hiện ngay việc di dời khẩn cấp, lập dự án cải tạo, xây dựng lại.

Nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý thì Thành phố phải duy trì, cải tạo và kiểm định chất lượng nếu có nguy cơ không bảo đảm an toàn.

Ông Dũng cũng cho biết, việc tôn tạo, bảo tồn quỹ nhà biệt thự cổ là do Nhà nước và tổ chức, cá nhân cùng thực hiện. Quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước thì Nhà nước phải làm, nhưng nhà thuộc sơ hữu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân phải cùng tham gia với Nhà nước, nhưng đều phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước.

Riêng với nhà nguy hiểm cấp độ D, chủ đầu tư phải di dời, lập dự án phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Trường hợp buộc phải xây dựng lại do không bảo đảm chất lượng, nếu là nhà nhóm I và II (như nhà 107 Trần Hưng Đạo), công trình xây dựng lại phải đúng nguyên trạng biệt thự cũ.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc