“Người nghèo ít tiền thì cố đừng vi phạm giao thông!”

07:01, 17/09/2015
|

(VnMedia) - “Người nghèo ít tiền thì cố chấp hành để đừng vi phạm, còn người giàu chơi ngông vi phạm thì phải nộp phạt tăng ngân sách cho nhà nước. Phạt nặng một thời gian là trật tự ngay” - ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu quan điểm về việc tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông.

>> Không phải cứ tăng tiền phạt là giảm thiểu vi phạm giao thông!

Ảnh minh họa


 
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội hôm thứ 3 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm đối với việc sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong linh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trong đó có quy định tăng mạnh mức phạt đối với vi phạm giao thông, ông Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải cho biết, ông đồng tình với quan điểm đó.
 
“Người nghèo, người ít tiền thì cố chấp hành để đừng vi phạm, còn người giàu chơi ngông mà vi phạm thì phải nộp phạt để tăng ngân sách nhà nước. Phạt nặng một thời gian là trật tự ngay” - ông Tân nêu quan điểm.
  
Cũng giống như quan điểm của Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phạt nặng, đánh vào kinh tế là một cách được nhiều người tin rằng sẽ giúp mang tính răn đe, cảnh báo. Trong lĩnh vực giao thông, việc phạt nặng sẽ giúp nâng cao ý thức, mang lại trật tự giao thông tốt hơn.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này.

Lo tiền phạt vào... "túi ai"
 
Trước hết, nhìn vào thực tế thì có thể thấy, việc phạt hành chính đối với người nghèo là một việc không hề dễ.

Hãy thử quan sát trên đường phố, những người đi xe đạp, nhất là những người đạp xe bán hàng rong, mua đồng nát…, thường rất hay vi phạm luật giao thông và mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng những người thực thi công vụ rất hiếm khi phạt những người này, vì nhiều lý do khác nhau. 
 
Trao đổi với VnMedia , đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng: Điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân, “cực chẳng đã mới phải phạt”.
 
“Phạt thì vẫn phải phạt, nhưng cần phải xem xét xem thu nhập bình quân, đồng lương của người dân có tương xứng với mức phạt không. Phải nghiên cứu xem, phạt càng cao thì liệu có giảm được vi phạm hay không. Chúng ta vừa qua cũng đã áp dụng phạt tiền, tăng mức phạt, nhưng thực tế vi phạm có giảm không? - đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
 
Ông Vinh đặc biệt quan tâm đến đối tượng người nghèo. “Người giàu vi phạm phải nộp phạt thì không khó, nhưng với người nghèo, phần lớn là bà con ở quê ra buôn thúng bán bưng, nhỡ vi phạm thì phải tính thế nào?” - ông Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi.
 
Một vấn đề khiến nhiều người đặc biệt quan tâm, đó là ảnh hưởng của việc tăng mức phạt đối với tình trạng mãi lộ. Đây cũng là nỗi lo ngại của đại biểu Trần Ngọc Vinh.
 
“Hiện nay, điều rất quan trọng là xử lý đối với người thực thi công vụ như thế nào. Việc tăng mức xử phạt có thực sự làm cho số tiền đó vào ngân sách nhà nước hay sẽ vào túi một nhóm nào đó? Cùng với việc tăng mức phạt thì có cơ chế quản lý không hay chỉ sinh ra chỗ cho một bộ phận cưa đôi tiền phạt? đó là vấn đề quản lý."

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết, ông đồng ý phải phạt lỗi vi phạm nhưng phải cân đối, phải phổ biến tuyên truyền rộng rãi, phải có biển cắm chỉ dẫn cho rõ ràng để người dân biết mà không vi phạm. "Chứ hiện nay nhiều chỗ cắm biển như bẫy. Cứ bảo phạt thật nặng, nhưng tất cả không đồng bộ thì không giải quyết được vấn đề” - đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh nói.
 
Tiền phạt không phải là công cụ chính

Trao đổi quan điểm cá nhân về vấn đề này với VnMedia , nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: "Tăng mức tiền xử phạt chưa bao giờ là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề vi phạm an toàn giao thông nói riêng, hoặc cho bất cứ mọi hành vi vi phạm nào."

Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, người vi phạm (luật, nội quy, quy định, nguyên tắc…) đều có một hình dung chung là hư, là khó bảo, là thiếu giáo dục.

"Khi chúng ta dùng tiền là công cụ chính cho sự giáo dục, điều đó có nghĩa là chúng ta đã không còn khả năng giáo dục, là một hành động giáo dục của người bất lực, hoặc lười biếng. Tăng mức tiền phạt đối với người vi phạm giao thông, chúng ta có thể tạo ra một nỗi sợ hãi đối với nhiều người, song, nếu như đó là người không thiếu tiền, hoặc không thiếu các khả năng để được ưu tiên, châm trước, khả năng đàm phán với người xử phạt… thì việc vi phạm vẫn hoàn toàn xảy ra." - Phó Giám đốc kênh VOV giao thông phân tích.

Với những phân tích trên, nhà báo Phạm Trung Tuyến đánh giá, tăng mức tiền phạt đối với người vi phạm giao thông, vì thế, có thể coi là một giải pháp hạn chế, kìm chế tình trạng vi phạm, chứ không thể coi là giải pháp tối ưu.

"Một giải pháp tốt cho tình trạng vi phạm an toàn giao thông, theo tôi, cần phải là giải pháp tạo ra lợi ích đối với việc di chuyển đúng luật. Điều đó có thể bắt đầu từ việc xây dựng hạ tầng giao thông giúp cho người dân dễ dàng đi đúng luật, hoặc có lợi khi đi đúng luật."  - nhà báo Phạm Trung Tuyến gợi ý.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc