Hiệp hội dừa Việt Nam vừa đề xuất lên UBND thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) về mô hình trồng dừa trên các tuyến đường mới và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM. Đề xuất nhận được những phải ứng trái chiều...
|
Theo hiệp hội dừa Việt Nam, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, TP.HCM có hơn 500km đường ven kênh. Với mật độ trồng 5m/1 cây thì hai bên bờ kênh có thể trồng được khoảng 100.000 cây dừa. Cây dừa có rễ ăn sâu vào lòng đất 3,5m – 4m, trong đó 50% rễ tập trung ở 50cm lớp đất mặt nên thích hợp trồng ven kênh rạch với tính năng như tạo lớp đệm chống sụt lún tự nhiên.
Bên cạnh đó, hệ thống rễ dừa còn có tác dụng như một bộ lọc tăng thêm lượng nước ngầm thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, đồng thời giảm thiểu được tình trạng ngập lụt cục bộ do mưa lớn gây ra.
Hiệp hội dừa nhận định rằng việc quản lý bảo dưỡng loài cây này có thể xã hội hóa, tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ. Đơn vị bảo dưỡng chăm sóc sẽ có được nguồn thu hằng tháng từ dừa cho công tác duy tu chăm sóc từ việc thu hoạch trái và lá dừa. Nếu không muốn để dừa ra trái, có thể chiết xuất mật hoa dừa.
Hiệp hội dừa Việt Nam đề xuất tổ chức khảo sát thực tế hàng dừa dọc kênh Tàu Hũ (quận 8, TP.HCM) để hiểu thêm về lai lịch và tác dụng của hàng dừa đó đối với môi trường sống của cư dân địa phương. Sau đó, tổ chức hội thảo về giá trị của cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế và du lịch nội đô TP.HCM và những ý kiến phản biện để có cơ sở khắc phục.
Sau khi nhận được đề xuất trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP và các nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu đề xuất lên UBND TP.
Người lo kẻ mừng
Đề xuất trồng dừa ven đường tại TP.HCM ngay sau đó đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ người dân. Đặc biệt có ý kiến cho rằng trồng dừa ven đường rất nguy hiểm vì tàu lá hay quả dừa từ trên cao rơi xuống trúng đầu thì không khác gì ăn “bom”.
Trong khi TP.HCM luôn ở tình trạng nắng nóng và thiếu mảng xanh, thì đề xuất trồng dừa như một luồng gió mới, nhất là những người sống ở gần khu vực kênh rạch. Họ cho rằng, trồng dừa vừa tạo được bóng mát, vừa có cảnh quan đẹp, dịu mắt.
Một trong những ý kiến bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất trên là việc trồng dừa sẽ tạo được nét đặc trưng mới của Thành phố. “Người ta sẽ ấn tượng với TP.HCM ở những cung đường với những hàng dừa rợp bóng. Đó sẽ là một nét đặc sắc của Thành phố và biết đâu lại thu hút khách du lich”, chị Nguyễn Thị Thu B. một người dân tại Quận 8 hào hứng.
Cũng có ý kiến cho rằng, cây dừa vốn tượng trưng cho hình ảnh quê hương, mang hình ảnh miền quê sông nước nếu trồng ở Thành phố sẽ tạo cảm giác thân quen, gần gũi.
Dĩ nhiên, cũng không thiếu những ý kiến đề cao giá trị lợi ích kinh tế do cây đưa tạo ra. Ông Nguyễn Văn B. (Quận 1) chia sẻ: “Dừa có giá trị kinh tế cao, nếu biết tận dụng thì có thể dùng được trong nhiều việc. Với 100.000 cây dừa, 1 năm cho ra trái rất nhiều, đem bán, bù phần nào kinh phí chăm sóc, cắt tỉa. Còn xơ dừa hoặc tàu lá đem bán cho nhưng nói có nhu cầu”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán thành, thì cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm không hợp lý. Ông Dương Trung Ch. (Quận. Bình Thạnh) đưa ra ý kiến: “Bày vẽ làm gì, tôi nghĩ rằng dừa không thích hợp với đất ở đây, nó thích hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long hơn. Cứ để dừa ở Bến Tre, như nét văn hoá vốn có của xứ dừa từ xưa đến nay”.
Một điều được người dân lo ngại nữa là sẽ tốn kinh phí cho việc chăm sóc, vệ sinh, quản lý hàng dừa. Theo như đề xuất với mật độ trồng 5m/1 cây thì với 500km hai bên bờ kênh có thể trồng được khoảng 100.000 cây dừa, và trồng thêm những tuyến đường mới khác thì việc chăm sóc, bảo vệ số lượng cây này cũng cần rất nhiều nhân lực. Việc trồng dừa là loại cây ăn trái, có gía trị kinh tế cũng khó tránh khỏi tình trạng trèo hái, bẻ tàu lá làm việc riêng của những người thiếu ý thức.
Đồng thời, đặc điểm sinh học của cây dừa là cây có tàu lá rộng, dài. Có nhiều ý kiến cho rằng sẽ nguy hiểm cho người đi đường nếu tàu lá già rụng xuống. “Nếu trồng thì cũng đẹp đó, nhưng nếu người dân đang đi bộ mà nó rớt xuống trúng thì sao?”, bà Nguyễn Thị Bé H. (Quận 7) lo ngại.
Cũng có ý kiến cho rằng khi dừa trồng đồng loạt, thì các tàu lá đến thời kỳ sẽ thay phiên nhau thay lá, rớt đồng loạt thì sẽ khó khăn cho công tác vệ sinh, thu gom, dọn dẹp.
Rât nhiều ý kiến phản đối việc trồng dừa trong Thành phố, dù ven kênh cũng không hợp lý, bởi “cây dừa không cao, lá thưa không che nắng được, lại thêm trái rớt, tàu lá rớt, gặp mưa bão có khi lại ngã đổ thì nguy hiểm”.
Bác Nguyễn Thông ở huyện Bình Chánh nói vui rằng nếu ngửa mặt ngắm dừa mà chẳng may bị dính trái dừa rơi trúng đầu, nặng thì chấn thương sọ não còn không cũng phải gãy cả hàm răng.
Được biết, dừa là một trong 28 loại cây cấm trồng trên đường phố như trên (theo quyết định 52, ngày 25-11-2013 về ban hành danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.HCM) vì quả dừa to, rụng gây nguy hiểm.
Dù sao, đó chỉ mới là đề xuất, cần phải được xem xét bởi các ban ngành và có ý kiến từ các chuyên gia để đưa ra kết quả cuối cùng xem có nên trồng dừa ở ven đường TP.HCM hay không.
Đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đề xuất Ngày 26/9 bà Nguyễn Thị Kim Thanh - chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, cho biết bà đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra đề xuất trồng cây dừa tại TP.HCM. Theo bà Thanh, trước mắt phía hiệp hội sẽ chờ ý kiến từ phía TP.HCM, nếu được chấp thuận sẽ tổ chức một buổi hội thảo về vấn đề trên trong thời gian tới. Trong khi đó, theo phó giáo sư , tiến sĩ Trần Văn Hâu, trường Đại học Cần Thơ, việc trồng dừa trên các tuyến đường ở TP.HCM là không cần thiết. Bởi cây dừa là loại cây không thể tạo tán, mặt khác đặc tính của cây này rất dễ rơi cành nhánh (cọng dừa), trái (dừa mỏ) gây nguy hiểm cho người đi đường. Đó là chưa kể đến chuyện trẻ em ở thành thị vốn không biết leo trèo khi thấy cây dừa có trái dễ tò mò leo hái sẽ rất nguy hiểm, khó kiểm soát. |
(Tuổi trẻ, Một Thế giới)
Ý kiến bạn đọc