Cảnh tượng người sống sinh hoạt trên đầu người chết, khiến bất cứ ai lần đầu đến đây cũng phải dựng tóc gáy.
Mồ mả… trong nhà
Giáp ranh giữa phường Quảng An và Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội) có một khu nghĩa địa cổ tên là Ngọc Xuyên, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư.
Hỏi đến nghĩa địa Ngọc Xuyên, chỉ những người già biết đến, còn người trẻ thì ngơ ngác, không hiểu nơi mình sống lại có nghĩa địa nào mang tên như vậy. Ngôi làng cổ có tên Ngọc Xuyên cũng không còn được nhắc đến nhiều nữa. Thế nên, phải hỏi han rất khó khăn, vòng vèo qua những ngõ ngách nhỏ xíu, tôi mới tìm thấy một mảnh vườn nhỏ, nơi có những nấm mồ lúp xúp lẫn với những hàng quất, những bụi rau, đám cỏ.
Hỏi những người dân sống quanh nghĩa địa Ngọc Xuyên, không ai biết nghĩa địa này có từ bao giờ, chỉ biết rất lâu rồi, hàng trăm năm.
Cụ Nguyễn Thị Thuận, nhà ở cụm 3, phường Tứ Liên kể rằng, nghĩa trang Ngọc Xuyên có từ thế kỷ 19. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của cụ đều được chôn cất trong khu nghĩa địa này, nên cụ nắm rất rõ về nghĩa địa cổ này.
|
Một phần nghĩa địa Ngọc Xuyên đã chìm xuống lòng đất, bởi một số hộ dân lấp lên. |
Theo cụ, vài chục năm trước, dân cư đông đúc khu nghĩa địa không còn chỗ chôn nữa, thì phường quy hoạch nghĩa trang mới phía bờ sông, gọi là nghĩa trang Tứ Liên. Chính vì thế, nghĩa trang Ngọc Xuyên trở nên cổ kính, rêu phong với những nấm mồ cũ kỹ, nhỏ gọn và gần như bị bỏ quên. Những nấm mồ nơi nghĩa trang này cũng biến thành mộ cổ, cứ thất lạc, biến mất dần.
Phần lớn những ngôi mộ đã có tuổi trên trăm năm, con cháu đã nhiều đời nên ít hương khói. Nhiều gia đình chuyển đi nơi khác làm ăn, ra nước ngoài, thì những nấm mồ đã bị bỏ quên.
Hai chục năm trước, nghĩa địa Ngọc Xuyên vẫn còn chìm trong lau lách rậm rạp của đất bãi, thế nhưng, giờ đây nó đang sắp biến mất bởi những ngôi nhà cứ mỗi ngày mọc thêm, chen lấn, thậm chí đè lên cả khu nghĩa địa. Phần lớn những nấm mồ hoang lạnh, nhỏ bé đã biến mất dưới lòng đất do người dân lấp đất lập vườn, dựng nhà. Thậm chí, nhiều ngôi mộ còn “chui” vào hiên nhà, lọt cả vào trong phòng của những ngôi nhà lấn chiếm đất nghĩa địa. Thật khó có thể tìm thấy ở nơi nào mà người sống và người chết lại gần nhau đến vậy.
|
Mộ "nhảy" lên hiên nhà |
Giữa trưa, những ngôi nhà quanh nghĩa địa đều cửa kín then cài. Tôi luồn lách qua khu nghĩa địa với mồ mả sin sít nhau, cỏ dại rậm rạp lút gối mà cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Đang hý hoáy chụp ảnh những ngôi mộ cổ có văn bia chữ Hán, thì thấy một ông cụ xách thùng nước ra vườn tưới quất.
Đó là ông Nguyễn K., năm nay 85 tuổi. Người dân phường Tứ Liên thường gọi ông K. và ông T. (anh trai ông K.) là ông K. “nghĩa địa” và ông T. “nghĩa địa”, vì hai anh em ông sinh ra, lớn lên ngay trên nghĩa địa Ngọc Xuyên.
Cha ông K. là cụ Nguyễn Văn H. Cụ H. được xã Tứ Liên xưa kia giao cho một sào đất cạnh nghĩa địa Ngọc Xuyên để ở và trông nom khu nghĩa địa. Con đàn, cháu đống của ông sinh sôi mỗi ngày một nhiều, nhưng không mấy người khá giả, thành đạt, tìm được cuộc sống mới, nên cứ quẩn quanh mưu sinh bên cạnh người chết. Ngày họ tỏa đi làm thuê, làm mướn, đêm lại về căn căn nhà tạm bợ dựng ở nghĩa địa này trú ngụ.
Tôi hỏi ông K: “Mọi người sống ở nghĩa địa thế này mà không sợ sao?”. Ông K. bảo: “Tôi đã ngoài 80 tuổi và có từng ấy năm sống giữa nghĩa địa, song quả thực chưa bao giờ gặp ma. Vợ con, các cháu tôi cũng chẳng thấy ai kể nhìn thấy ma bao giờ. Người đời cứ đồn đại chuyện ma quỷ, chứ tôi, một người sống ngót trăm năm ở nghĩa địa, xin khẳng định chả có ma quỷ gì hết”.
Theo lời ông K., ngày bé, đêm nào anh em ông K. cũng đi qua khu nghĩa địa ra bờ sông soi cá, soi ếch. Đêm hè nóng nực trèo lên cây muỗm, cây sung ở giữa nghĩa địa hóng mát, thậm chí ngủ quên trên những nấm mồ. Giờ con cháu ông K. cũng vậy, sinh ra và lớn lên bên mồ mả, nên chẳng sợ gì người chết. Đêm hôm mấy đứa cháu của ông vẫn chơi đùa trên những ngôi mộ.
|
Mộ 'chui' vào trong nhà |
Nói rồi, ông K. dẫn tôi đi xem những ngôi mộ nằm sát nhà dân, thậm chí trong hẳn những ngôi nhà, để chứng minh rằng, trên đời không có cái gọi là ma quỷ và cũng không cần thiết phải sợ ma quỷ.
Tôi lạnh sống lưng khi tận mắt trước mặt một ngôi nhà cửa khóa im ỉm là ngôi mộ cổ trồi lên khỏi mặt đất. Ngôi mộ xây hình tròn, như miệng cái chum. Nhìn kiểu cách xây mộ ấy cũng biết rằng ngôi mộ này rất cổ, là kiểu dáng phổ biến thời xưa.
Ngôi mộ này nằm trước ngôi nhà cấp 4, đầu lối đi vào nhà. Muốn vào ngôi nhà này, phải bước qua ngôi mộ để lên hành lang. Thật khó tin, khi hàng ngày, người ta vào nhà bằng cách bước chân qua đầu người chết.
Cạnh ngôi nhà cấp 4 này là một ngôi nhà khác, cũng cửa khóa im ỉm. Chủ nhân là một cặp vợ chồng trẻ. Họ đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Ngôi nhà của họ nằm giữa nghĩa địa, bao quanh là những nấm mồ hoang lạnh.
Bước lên hiên nhà, tôi chợt rùng mình khi thấy ngay trên hiên nhà láng ximăng, có một cái hố hình vuông. Dưới hố cắm vài bông hoa hồng và những cọng hương đã cháy hết. Theo lời những người dân sống quanh nghĩa địa, cặp vợ chồng này đã xây nhà trùm lên rất nhiều ngôi mộ và sống chung với… người chết.
Giữa buổi trưa, khi những cư dân ở xóm nghĩa địa đi làm chưa về, hoặc đang kín cổng cao tường say giấc nồng, ông Trần H. dẫn tôi trèo qua cổng vào một ngôi nhà nằm giữa nghĩa địa.
|
Người thân phải đánh dấu chỗ nằm của tổ tiên bằng viên đá, bởi người ta lấn chiếm, lấp cả mộ. |
Theo ông H., chủ nhân ngôi nhà này rất hung dữ. Anh ta sẽ chửi bới, xua đuổi bất kỳ ai đến nhà anh ta nhòm ngó, hoặc đòi thắp nhang cho những ngôi mộ ở trong nhà anh ta. Chỉ vào những ngày nhất định như ngày rằm, lễ, tết, con cháu người nằm dưới mộ muốn vào thắp nhang cho ông bà tổ tiên, thì phải đến gặp anh ta, rồi ngọt nhạt đủ điều anh ta mới cho vào nhà để hương khói, khấn vái người chết.
Theo ông H., người đàn ông này mới 50 tuổi, nhưng tính nết thất thường, hay cáu giận, chửi bới, nhiều khi ngồi nói một mình. Không ít lần, ông H. đi qua nghĩa địa, thấy anh ta ngồi trên nấm mồ, vừa uống rượu vừa nói chuyện một mình như thể nói chuyện với ma.
Tôi ghé mắt qua khe cửa sổ căn nhà có người đàn ông kỳ lạ, thường uống rượu với "ma", thì thấy mấy ngôi mộ nằm trong một căn phòng rộng vài chục mét vuông. Phía trong góc căn phòng là một chiếc giường, một bộ bàn ghế cũ nát, cốc ché cáu bẩn. Nhìn cảnh mồ mả ở trong nhà, mọc lô nhô trong nhà, mà thật khó tưởng tượng trên đời lại có cảnh sống như thế.
Phía ngoài cùng của dãy nhà cấp 4 là một căn phòng chứa đồ của anh Q. Theo lời ông H., trước đây, anh Q. xây một ngôi nhà trùm lên những ngôi mộ và sống ở đó. Tuy nhiên, theo lời anh ta kể, thì từ khi chuyển vào ngôi nhà này sinh sống, anh thấy người ngợm lúc nào cũng mệt mỏi, tâm trí nặng nề, thường xuyên mất ngủ. Mỗi khi nhắm mắt vào, lại có cảm giác như có ai đó dựng giường, khiến anh ta giật mình thức giấc.
|
Một ngôi mộ hiếm hoi còn trồi lên khỏi mặt đất. |
Sợ quá, anh Q. không dám ở nữa, mà biến căn phòng thành kho chứa đồ. Tuy nhiên, vừa đem đồ sang để, thì một trận dông lốc đã thổi bay mái, khiến căn phòng tan hoang.
Đứng bên ngoài nhìn vào trong nhà, thấy mồ mả nhấp nhô, có ngôi đường kính đến một mét, quả thực, không hiểu vì sao con người lại to gan đến mức dựng nhà trùm lên, rồi ăn ngủ cạnh những nấm mộ này.
Theo lời ông H., trong căn phòng ấy có tới 5 ngôi mộ của gia đình nhà ông và 5 ngôi mộ tổ của họ Trần. Nếu tính cả những ngôi mộ bỏ hoang, không có người chăm sóc, thì riêng trong căn phòng này cũng có đến cả chục ngôi mộ.
Căn phòng rộng độ ba chục mét vuông, mà có đến chục ngôi mộ thì quả thực, dưới nền nhà sin sít là mộ. Điều đó có nghĩa, anh Q. đã dựng những bức tường trọn vẹn lên nghĩa địa để làm nhà.
Ngôi mộ nào vừa nhỏ, vừa thấp thì bị anh đổ đất vùi lấp, ngôi mộ nào quá to, bị con cháu người chết phản ứng, thì vẫn may mắn được nhô lên khỏi nền nhà.
Theo lời ông H., chỉ đến những ngày lễ, tết, khi các gia đình đi tảo mộ, thì anh Q. mới mở cửa cho vào thắp hương. Thắp hương xong, vừa ra về, anh ta liền nhổ hương vứt đi, vì sợ khói hương mù mịt nhà cửa. Những ngày thường, những người trong gia đình anh ta đóng cửa đi làm, nên muốn vào nhà hương khói cho phần mộ tổ tiên cũng không được.
Ý kiến bạn đọc