Hà Nội: Không đồng ý bỏ tử hình tội nhận hối lộ

06:42, 11/09/2015
|

(VnMedia) - Người dân và các sở, ngành tại Hà Nội không đồng ý bỏ tử hình tội tham ô, nhận hối lộ; không đồng tình chuyển phạt tiền thành phạt tù... khi tham gia góp ý cho Bộ luật Hình sự (sửa đổi)...

>> Tham nhũng nộp tiền có thể thoát án tử hình

Ý kiến tham gia vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của người dân, các sở, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổng hợp.

Ảnh minh họa



Theo đó, quá trình lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, đại diện các cơ quan, sở, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia luật đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố cho thấy, các ý kiến đều không đồng ý với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội “tham ô tài sản, nhận hối lộ”.

Quá trình lấy ý kiến cho thấy, lý do của việc không đồng tình với quy định bỏ án tử hình về tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ” vì đây là những tội mang tính chất kinh tế nhưng nằm trong nhóm tội phạm về chức vụ và tham nhũng cho nên cần phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.

Các ý kiến cũng cho thấy, việc không bỏ án tử hình về tội tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ” cũng đồng thời sẽ loại bỏ được cách hiểu của người dân là dùng tiền để thoát án tử hình.

Không tử hình người từ 80 tuổi trở lên

Đối với quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình từ 75 tuổi trẻ lên, các ý kiến đồng ý vì cho rằng, đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời nó mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là một đặc ân của Nhà nước đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hướng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị chỉ không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 80 tuổi trở lên, vì tuổi thọ trung bình ở nước ta đã được nâng cao hơn trước. Mặt khác, người được coi là thượng thọ, già yếu, được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên theo quy định của Luật Người cao tuổi là 80 tuổi.

Không chuyển hình phạt tiền thành phạt tù

Về quy định chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn, các ý kiến góp ý của người dân Thủ đô tán thành với phương án không quy định khoản này, vì quy định này ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người phạm tội khi chấp hành hình phạt tiền.

“ Việc quy định chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù là trái với tinh thần cải cách tư pháp: giảm hình thức áp dụng hình phạt tù và mở rộng hình thức áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ.” – Báo cáo tổng hợp nêu rõ.

Ngoài ra, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, quy định như vậy sẽ dẫn đến một thực tế có nhiều đối tượng không thể chấp hành nộp phạt hoặc chấp nhận ngồi tù để ”trừ nợ” vì thấy có lợi hơn cho mình điều này làm tăng việc áp dụng hình phạt tù nhưng không đảm bảo tính nghiêm minh, giáo dục của pháp luật.

Quy định chuyển phạt tiền sang hình phạt tù cũng sẽ kéo theo nhiều thủ tục pháp lý khác liên quan để thực thi, tăng ghánh nặng cho các cơ quan chuyên trách và cho nhà nước.

Đối với quy định về việc chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, các ý kiến cho rằng quy định này là trái với tinh thần cải cách tư pháp và không khả thi.

“Việc xác định ”trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ” là một khái niệm định tính, vì thế nếu có trường hợp xảy ra thì cơ quan ra quyết định chuyển đổi hình phạt và mức áp dụng là không rõ ràng.” – báo cáo nêu quan điểm.

Theo MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, quy định như vậy dễ dẫn đến lạm dụng đẩy người bị kết án cải tạo không giam giữ vào tù hoặc phát sinh tiêu cực, phiền toái cho người bị kết án cải tạo không giam giữ.

Cần có biện pháp thay thế hình sự với trẻ vị thành niên

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, các ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy, trẻ em thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người, các xâm phạm sở hữu. 

Phần lớn các trường hợp khác, các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải quy định trong Bộ luật Hình sự các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Lý do là vì trẻ em là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm sinh lý, khả năng nhận thức còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ. Vì vậy, cần tạo điều kiện để  họ có cơ hội khắc phục,  sửa chữa sai lầm và hạn chế khả năng bị đưa vào vòng tố tụng.

Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước...

Các đại biểu được hỏi ý kiến cho rằng việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong lĩnh vực kinh tế là cần t hiết và phù hợp với thực tế, bởi việc quy định tội phạm như hiện hành luôn gây ra một áp lực không lành mạnh làm triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo, năng động của những cán bộ, doanh nhân, người làm kinh tế.

Ngoài ra, quy định cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là “kẽ hở” để hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự hoặc dẫn đến oan sai.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc