(VnMedia) - Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước phải định kỳ công bố hàng loạt thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, trong đó có tiền lương, thưởng...
>> Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,5 triệu đồng/tháng
|
Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước phải định kỳ công bố thông tin về Chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp; Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp.
Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp phải định kỳ công bố báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Đối với các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư có nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước quyết định việc công bố nhằm bảo đảm nội dung bí mật là phù hợp, tránh lạm dụng các quy định về nội dung bí mật làm hạn chế tính công khai, minh bạch về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có trách nhiệm phê duyệt các nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo thẩm quyền; bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời của các thông tin được công bố.
Hình thức công bố thông tin được quy định gồm văn bản và dữ liệu điện tử.
Việc công bố thông tin phải được thực hiện đồng thời qua các phương tiện công bố thông tin. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, phương tiện công bố thông tin gồm: Báo cáo bằng văn bản, trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp các thông tin được công bố có sự sai lệch, chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin phải xác nhận và điều chỉnh thông tin thay đổi hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc