(VnMedia) - Nhà biệt thự Pháp vốn được xây dựng để phục vụ người giàu có. Vậy nên, đừng bắt người nghèo tiếp tục phải ở trong những ngôi nhà sang trọng đó. Hãy để những ngôi biệt thự cho những người có khả năng tài chính, biết tận hưởng và nâng niu giá trị kiên trúc, lịch sử... - Kiến trúc sư (KTS)Trần Huy Ánh nêu quan điểm.
>>"Đột nhập" ngôi biệt thự "độc" nhất Hà Nội
Mấy ngày qua, người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung bàng hoàng trước sự cố đổ sập ngôi biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo. Và sau đó, câu chuyện về những bất cập trong quản lý nhà biệt thự cổ ở Hà Nội lại một lần nữa được xới lên.
Nhận xét về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) khẳng định “chắc chắn việc quản lý biệt thự ở Hà Nội có vấn đề, bởi nếu không thì đã không có sự cố xảy ra.”
“Một người quản lý, nếu coi nó là một di sản thì luôn tìm cách bảo vệ nó, nhưng lại không có quyền can thiệp trực tiếp vào nó, còn người thường xuyên sử dụng nó, theo dõi, cảnh báo được các nguy cơ, xem khai thác có an toàn hay không thì lại không có khả năng kinh tế để cải tạo, sửa chữa hoặc đối mặt với các vấn đề phức tạp do bảo tồn.” - TST Trần Huy Ánh phân tích.
Trong khi đó, GS Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng, việc chỉ đạo của các cơ quan lúc này là cần thiết, “nhưng giá mà những quan tâm đó kịp thời thì hai mạng người đã không phải chịu oan uổng và một biệt thự cổ mang dấu vết của lịch sử, văn hóa đã không thành một đống gạch vụn như vậy.” – GS nói và chua chát thêm rằng, “trong khi đó, người Pháp, dẫu chẳng còn trách nhiệm gì với những căn biệt thự cổ tại Việt Nam thì vài năm trước vẫn gửi thư thông báo về tuổi thọ và khuyến cáo cần phải có biện pháp với những công trình kiến trúc này.
|
Những ngôi biệt thự được xây dựng từ thời Pháp dành cho những người giàu có |
Muốn bảo tồn phải tu sửa
Là một KTS - nhà bảo tồn nổi tiếng, GS Hoàng Đạo Kính cho biết, ông bất ngờ và đau xót trước vụ sập nhà khiến hai người thiệt mạng, nhưng với tư cách là một người hiểu hiện trạng của quỹ kiến trúc đồ sộ đã tồn tại cả trăm năm nay thì lại ông không bất ngờ.
“Cái cách mà chúng ta ứng xử với quỹ kiến trúc này luôn luôn làm cho chúng tôi, những nhà chuyên môn thấy là khó mà tránh được những sự cố, và như chúng ta thấy, cuối cùng thì sự cố đau lòng đã xảy ra. Ngôi nhà này như một ông lão 110 tuổi, nhưng không được tu sửa, kể cả tu sửa tối thiểu thì làm sao tồn tại được? ” – GS đặt câu hỏi.
Theo Gs, việc không tôn tạo, tu sửa các biệt thự cũ một phần do không có tiền, nhưng phần khác là chúng ta chưa nhìn nhận thật đúng quỹ kiến trúc này.
“Trước tiên, phải nhìn quỹ biệt thự đó như là một tài sản vật chất có giá trị lớn và chúng ta đang dùng tốt, nhưng chúng ta lại không chăm sóc. Thứ hai, chúng ta đã bắt đầu nhìn nhận quỹ tài sản vật chất này có giá trị văn hóa, lịch sử nên mới công nhận đó là những công trình di sản và xếp hạng. Nhưng trong cả hai trường hợp đó, tài sản vật chất mà chúng ta sử dụng và đối tượng mà chúng ta bảo tồn đều phải duy trì. Mà duy trì thì phải tu sửa, và nếu là di tích thì phải trùng tu, phát huy tác dụng.” – GS Hoàng Đạo Kính nói.
Trước lo lắng của dư luận rằng liệu sau sự cố sập nhà vừa rồi có thể xảy ra trào lưu đập bỏ biệt thự xuống cấp để xây lên một căn biệt thự khác?, GS Hoàng Đạo Kính khẳng định: “Không nên nói đến việc những ngôi nhà như thế này đã quá đát, quá thời hạn sử dụng. Ngôi nhà không phải là hộp sữa, là viên thuốc, mà ngôi nhà là công trình kiến trúc có thể tồn tại lâu dài, nhiều đời nếu chúng ta vận dụng những giải pháp kỹ thuật hay trùng tu, tu sửa. Ngoài ra, những ngôi nhà này không chỉ đẹp, có giá trị lịch sử, là sự hoài niệm, mà còn đóng vai trò trong việc tạo ra hình ảnh của Hà Nội, mà thực sự những công trình này còn sử dụng rất tốt.”
Tuy nhiên, GS Hoàng Đạo Kính cũng chia sẻ, ngay cả khi có tiền và có quyền với các ngôi biệt thự, vẫn có thể gặp rất nhiều vướng mắc, đó là cơ chế quản lý, là chính sách, nhất là vướng mắc về chế độ sở hữu.
“Ở Hà Nội có hàng trăm ngôi biệt thự cũ nay đã biến thành những “nhà tập thể”, làm thế nào mà chúng ta có thể sửa chữa được khi mà ngôi nhà đó như thể là “vô chủ”. Những ngôi biệt thự thuộc một cơ quan nào đó hoặc thuộc Ngoại giao đoàn thì rất tươm tất, vẫn đẹp, khỏe mạnh và không ai nghĩ là phải đập đi. Chỉ có những người mua biệt thự vì nghĩ đó là mảnh đất vàng thì người ta mới muốn đập đi để xây nhà cao tầng” – GS nói.
|
Và nay thì biến thành những "khu tập thể bình dân" - ảnh hiện trạng ngôi nhà cổ 164 |
Đừng bắt người nghèo ở nhà sang trọng
Nói cụ thể, rõ ràng hơn về giải pháp cho các ngôi biệt thự cổ Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đối với những công trình công sản thuộc di sản thì tốt nhất là giao cho chính quyền địa phương (cấp quận) quản lý.
Theo KTS Trần Huy Ánh, thực tế, Hà Nội có nhiều công trình có chất lượng kém, mức độ nguy hiểm cao hơn những ngôi biệt thự cổ rất nhiều, nhưng nếu công trình đó có người chủ thực sự thì họ vẫn sẽ có biện pháp chống đỡ, đảm bảo an toàn.
“Biệt thự Pháp vốn được xây dựng dành cho những người sang trọng giàu có, nhưng khi chúng ta tiếp quản, Nhà nước đã cho phép nhiều người nghèo đến đó ở. Những người nghèo đó, họ không có nhu cầu được ở sang trọng. Vậy nên, hãy coi những ngôi biệt thự đó như là một thứ tài sản, và nếu được, hãy hoán đổi, hay nói cách khác là trả tiền cho người nghèo với một giá tương xứng để họ đi đến nơi ở mới phù hợp hơn. Và người chủ mới, là người có khả năng kinh tế, biết trân trọng vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của những ngôi biệt thự đó sẽ có trách nhiệm gìn giữ, cải tạo và sử dụng theo đúng các quy định của nhà nước về di sản." KTS Trần Huy Ánh nói.
“Đừng bắt người nghèo phải ở sang trọng!” - KTS Trần Huy Ánh một lần nữa nhấn mạnh.
|
Nếu để người nghèo tiếp tục ở trong các ngôi biệt thự sang trọng, thì nó sẽ biến thành như thế này - ảnh hiện trạng ngôi nhà cổ 164 Triệu Việt Vương: Tuệ Khanh |
Cùng quan điểm này, TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích một cách đơn giản hơn: “Nói về giá trị, về vẻ đẹp của ngôi biệt thự thì thực ra có người thích, nhưng có người lại chả thiết gì. Có khi người ở trong nhà không quan tâm đến vẻ đẹp đó, họ chỉ quan tâm đến tiện nghi bên trong thôi.”
Về giải pháp cho các ngôi biệt thự, TS Phạm Sĩ Liêm cũng cho rằng, đối với việc bảo tồn, tốt nhất là nhà nước và nhân dân phải cùng làm.
“Cần cân nhắc giá trị kiến trúc của những ngôi biệt thự này, bởi đó là vẻ đẹp xưa tạo nên bản sắc của Hà Nội. Lý tưởng nhất là chuyển những hộ dân ở chung trong các ngôi biệt thự đó vào những căn hộ riêng, còn những căn biệt thự thì Thành phố muốn sửa lại, bán lại… là quyền của Thành phố.” - TS Phạm Sĩ Liêm nêu quan điểm, nhưng nhấn mạnh rằng, “sửa hay bán lại đều phải đúng chức năng của biệt thự.”
Ý kiến bạn đọc