(VnMedia) - Ngân hàng Thế giới vừa công bố mức độ hài lòng của người dân tại 4 tỉnh của Việt Nam, trong đó nổi bật là mức độ không hài lòng của người dân về thái độ của y tá, hộ lý…
Các khảo sát mức độ hài lòng của người dân và tổ chức được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thực hiện tại bốn tỉnh của Việt Nam cung cấp nguồn thông tin mới nhằm giúp các cơ quan chính quyền đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, đồng thời tạo nền tảng để thực hiện những nghiên cứu tương tự trong tương lai, theo một báo cáo mới được công bố.
Các cuộc khảo sát này đã thu thập ý kiến phản hồi chi tiết của người dân, tổ chức ở cấp độ đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm xác định những cải cách khả thi và nhu cầu nâng cao năng lực cụ thể. Những khảo sát trước đây của Chính phủ về cung ứng dịch vụ chưa cung cấp dữ liệu ở cấp độ đơn vị cung ứng dịch vụ.
Theo ông Soren Davidsen, Chuyên gia quản trị nhà nước cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:"Chúng ta cần phải biết mong muốn của người dân và tổ chức về các thủ tục hành chính và dịch vụ công, và những cuộc khảo sát như thế này có thể chỉ ra hoạt động nào là hiệu quả, và hoạt động nào cần phải quan tâm".
Cũng theo ông Soren Davidsen, "cách tiếp cận này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia khác nhau như Philippin, Ấn Độ, Hoa Kỳ và các quốc gia Bắc Âu."
Được thực hiện tại các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Phú Thọ và Vĩnh Phúc năm 2014 và 2015, các khảo sát đã đánh giá bốn khía cạnh trong cung cấp dịch vụ: khả năng tiếp cận, mức độ đáp ứng, chi phí dịch vụ và cơ chế góp ý, kiến nghị.
Các lĩnh vực được khảo sát bao gồm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất, cấp phép kinh doanh, xây dựng…, và dịch vụ y tế. Các khảo sát không nhằm mục tiêu xác định mức độ hài lòng tổng thể ở từng tỉnh, mà nhằm đánh giá việc cung cấp dịch vụ của mỗi đơn vị cung ứng dịch vụ. Điều này giúp cho từng đơn vị nắm được hoạt động nào tốt và có hành động khi cần thiết.
Báo cáo tóm tắt kết quả khảo sát cho thấy, ở tỉnh Bình Định, khi khảo sát với 11 huyện, chỉ có 7,7% người được phỏng vấn hài lòng với máy tra cứu thông tin; 5,5% hài lòng với phương tiện giải trí; và khoảng 50% hài lòng với quạt và điều hòa ở bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn theo từng huyện, bức tranh trở nên rõ ràng hơn, vì chỉ có văn phòng của thành phố chính mới có máy tra cứu thông tin và máy này dường như là không sử dụng được. Khu vực chờ nhìn chung là nhận được sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ, mặc dù ở hai huyện thì mức độ hài lòng vẫn còn khiêm tốn, có thể là do tình trạng quá đông người đến làm thủ tục. Việc trang bị bàn, ghế cũng đạt được mức hài lòng, mặc dù mức độ hài lòng tại một huyện thấp hơn hẳn.
Kết quả thứ hai là sự khác biệt giữa mức độ sẵn có của các trang, thiết bị và mức độ hài lòng của người được phỏng vấn.
Đáng chú ý nhất là mức độ không hài lòng với nhà vệ sinh ở tất cả các điểm, mặc dù các cơ sở y tế này đều đã có nhà vệ sinh. Điều này gợi ý rằng nhà vệ sinh không được duy trì tốt. Ngược lại, trong khi chỉ có 41,3% bệnh nhân trong tỉnh cho biết cơ sở y tế có cung cấp nước uống, tới 72,8% trong số họ hài lòng với tình trạng này.
|
Nhà vệ sinh bệnh viện luôn là nỗi khiếp đảm của bệnh nhân |
Chưa hài lòng với dịch vụ y tế
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dịch vụ y tế ở Việt Nam và trong kết quả khảo sát là tình trạng quá tải do nhu cầu lớn mà hệ thống các cơ sở y tế chưa đáp ứng được. Hiện tượng này thể hiện rõ nhất qua tình trạng phải nằm chung giường.
Ở các cơ sở y tế được khảo sát tại Vĩnh Phúc, 32,2% người bệnh phải nằm chung giường, ở Thanh Hóa, con số này là 13,6%, và ở Bình Định là 29,3%. Mặc dù vậy, hầu hết các bệnh nhân hài lòng với việc điều trị và trang thiết bị ở bệnh viện. Điều này có thể là do mức độ kỳ vọng hiện tại của bệnh nhân khi đến các cơ sở y tế và mức độ hài lòng cũng có thể thay đổi khi kỳ vọng thay đổi trong tương lai.
Cũng tương tự như những nơi khác trên thế giới, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng tuân theo khung giờ làm việc thông thường và do vậy thường là không thuận tiện cho những người đi làm.
Tuy nhiên, một ví dụ mà nghiên cứu đã xem xét là giờ khám bệnh cho bệnh nhân ngoại trú. Hiện nay, bệnh nhân tới viện khi họ cần và chưa có hệ thống đặt hẹn trước. Đa số người được phỏng vấn mong muốn được khám, chữa bệnh vào ngày thứ 7, tiếp theo đó là mong muốn được khám trước giờ bắt đầu làm việc.
Khảo sát cũng đã tìm hiểu mức độ hài lòng về thái độ và năng lực của công chức. Một tỷ lệ khá cao lên tới 42,5% người được phỏng vấn cảm nhận rằng bác sỹ và y tế, hộ lý chỉ có thái độ bình thường hoặc không tận tình. Nhưng phần lớn người trả lời cho rằng bác sỹ thường tận tình hơn y tá, hộ lý. Tuy nhiên, y tá, hộ lý là những người tiếp xúc thường xuyên hơn với bệnh nhân và do đó dễ nhận được những phản hồi như vậy hơn.
Ý kiến bạn đọc